Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt hơn 9% trong bối cảnh chính sách tín dụng không có gì thay đổi, doanh nghiệp (DN) không mặn mà vay vốn vì hoạt động sản xuất kinh doanh chưa khả quan.
Ngân hàng chủ động tìm doanh nghiệp
Mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp vào việc thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng. Đến 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 nhưng thấp hơn cùng kỳ các năm trước.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng chủ động làm việc với các ngành nghề, các hiệp hội trong nước và nước ngoài để hiểu khả năng hấp thụ của DN, từ đó hoạch định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với kế hoạch của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Tổng giám đốc OCB cho hay: OCB kết nối giữa DN lớn với DN nhỏ để đầu ra của DN lớn là đầu vào của DN nhỏ, hoặc kết nối giữa DN với người dân. Như vậy, chuỗi cho vay của ngân hàng sẽ liên tục.
Tại MB hiện nay còn khoảng 40 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay. Phó Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Hải Phượng thông tin, ngân hàng đang xây dựng các giải pháp để đầu tư và tăng trưởng tín dụng cho các phân khúc khách hàng khác nhau, từ phân khúc tiêu dùng thấp như nhóm khách hàng tài chính tiêu dùng đến khách hàng bán lẻ; phân khúc khách hàng sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh.
Mặc dù rất tích cực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng khẳng định sẽ không hạ chuẩn cho vay bằng mọi giá. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, một trong những nguyên tắc cho vay của tổ chức tín dụng là khách hàng phải sử dụng vốn đúng mục đích và vốn vay phải chịu sự kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của tổ chức tín dụng, kể cả có tài sản bảo đảm là tài sản độc lập cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, không phải cứ có tài sản là cho vay bằng mọi giá. Khi tổ chức tín dụng cho khách hàng vay với mục đích góp vốn vào bên thứ thứ ba để kinh doanh thì phải kiểm soát được vốn vay, song trong trường hợp này do bên thứ ba không vay trực tiếp ngân hàng nên không thể kiểm tra vốn vay (trừ trường hợp có thỏa thuận ba bên cho phép ngân hàng kiểm tra sổ sách, chứng từ liên quan đến vốn góp).
Tiếp tục giảm lãi suất
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Dự kiến, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. NHNN cũng đã phân bổ room tín dụng 14,5% cho các ngân hàng.
Bà Nguyễn Thu Hương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ giảm lãi suất theo đúng định hướng. Tuy nhiên, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để giúp đỡ DN.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; khẩn trương rà soát các dự án, các DN (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ DN, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ; tham gia các hội nghị kết nối ngân hàng – DN và chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để giải quyết các khó khăn; tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh, phải làm sao mở ra được các thị trường cho DN, “thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông”. Hơn nữa, việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Theo ông Thiên, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng tiếp cận DN bằng xu hướng, tiềm năng tương lai…
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu…
Nguồn daidoanket.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Giá vàng ngày 25/5: Vàng thế giới lao dốc, hiện ở mốc 1957 USD/ounce
- Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật BHXH
- Ngoài cầu lông, nhiều tiến sĩ còn nghiên cứu phát triển cờ vua, yoga, bóng rổ
- Nhiều tín hiệu cho thấy chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đã chấm dứt
- Bình Dương thông xe cầu 312 tỷ đồng, vượt sông Thị Tính