Tiền ảo lao dốc: Đã đến lúc người dùng cần được bảo vệ

213 lượt xem - Posted on

Hoạt động đầu tư tiền ảo ở Việt Nam diễn ra khá rầm rộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu xét về biến động của thị trường này từ đầu năm có thể thấy nhà đầu tư như đang “đánh bạc” khi có thể mất trắng số tiền bỏ ra chỉ sau đúng 1 đêm.

ất trắng chỉ sau 1 đêm

Có thể nói, nửa đầu năm 2022 là quãng thời gian không thể tồi tệ hơn đối với thị trường tiền ảo toàn thế giới. Giá của hầu hết các loại tiền ảo đều chỉ giảm chứ không tăng với biên độ “bốc hơi” lên tới hàng chục phần trăm. Việc mỗi ngày thị trường này mất đi hàng chục tỷ USD cũng dần trở thành bình thường và kéo theo đó hàng loạt nhà đầu tư bỗng chốc trắng tay.

Tiêu biểu là vào ngày 13/6 vừa qua, thị trường tiền ảo đã có một phen “tắm máu” khi giá trị của các đồng  liên tục đỏ sàn, hàng loạt sàn giao dịch phải ngừng không cho nhà đầu tư rút tiền, làn sóng bán tháo diễn ra ồ ạt chưa từng thấy. Các loại tiền ảo có giá trị cao nhất như Bitcoin hay Ethereum cũng mất giá chưa từng thấy khi lên tới 25-33% so với một tuần trước đó.

Những lời than vãn về mất giá tiền ảo tràn ngập trên các trang mạng
Những lời than vãn về mất giá tiền ảo tràn ngập trên các trang mạng

Chỉ riêng trong ngày hôm đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu đã “bốc hơi” hơn 927 tỷ USD. Đây là mức giảm “kinh khủng” nếu biết vào tháng 11/2021, con số này đang ở mức “đáng mơ ước” là 3.000 tỷ USD.

Không chỉ vậy, chưa đầy 1 tháng trước, thị trường tiền ảo đã gặp phải một “thảm họa” khác là sự sụp đổ của Luna, một trong những đồng mạnh và có giá trị nhất. Với mức mất giá thẳng đứng từ 77 USD về 0,0001 USD chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Luna đã thổi bay hàng chục tỷ USD của nhà đầu tư cũng như thị trường tiền ảo nói chung giảm giá trị tới hơn 200 tỷ USD.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 6 triệu nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiền ảo, con số thuộc Top đầu thế giới. Và lẽ dĩ nhiên khi cơn bão “mất giá” của tiền ảo càn quét toàn thế giới thì những người này cũng không phải là ngoại lệ.

Mấy ngày gần đây, dạo quanh các fanpage, diễn đàn của cộng đồng tiền ảo Việt, có thể nhận thấy một không khí u ám đang bao trùm toàn bộ. Chiếm đa số là những bài viết than vãn, thậm chí là hối hận khi đồng tiền mà mình đang giữ mất giá không phanh. Trong số này cũng không thiếu người thú nhận rằng mình đã mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Có kinh nghiệm hai năm tham gia vào thị trường tiền ảo, anh Tiến Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định, hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ đều sẽ lỗ nặng hoặc thậm chí là mất trắng chỉ là sớm hay muộn mà thôi, đặc biệt sau mỗi biến động lớn của thị trường, số người phá sản nhiều nhan nhản.

Được biết, vào đầu năm nay, anh Minh đã rót toàn bộ vốn liếng sau quãng thời gian đầu tư tiền ảo với hơn 5 tỷ đồng vào đồng Luna khi nhận thấy khả năng sinh lời của loại tiền số này rất cao. Tuy nhiên, qua đợt sụp đổ của Luna vào tháng 5 vừa qua, với mức giá bị giảm tới gần 1 triệu lần, toàn bộ số tiền của anh Minh đã trở thành đống giấy vụn.

Cả cộng đồng nhà đầu tư vào Luna ở Việt Nam không ai có thể đoán trước được Luna mất giá khủng khiếp đến như vậy. Ai có thể ngờ được hôm trước đầu tư 1 tỷ đồng vào mà chỉ sau một đêm số tiền đó chỉ còn chưa đầy 1.000 đồng, anh Minh chua xót nói.

Nhận định về thị trường tiền ảo Việt, anh Hoàng Nam, quản trị của một trong những diễn đàn hàng đầu về tiền ảo cho biết, nếu xét trong quãng thời gian từ 6 tháng – 1 năm, số người mất tiền lớn hơn rất nhiều so với người được. Nếu đầu tư thời gian dài hơn nữa thì số người lời càng hiếm hoi hơn.

Bản thân cũng là người đầu tư tiền ảo nhưng anh Nam cho rằng đầu tư vào đây còn rủi ro hơn cả đánh bạc. Thị trường chủ yếu do các “cá mập” điều khiển giá lên xuống, nhà đầu tư có rất ít thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn, chủ yếu là nghe truyền tai nhau vì thế nên nhiều người mất trắng chỉ sau 1 quyết định là điều rất hay xảy ra.

Đặc biệt, do tiền ảo ở Việt Nam chưa được pháp luật công nhận nên việc nhà đầu tư bị thua lỗ do các yếu tố thao túng giá, lừa đảo … hoàn toàn không được bảo vệ. Bây giờ, người chơi sẽ phải tự chịu trách nhiệm nếu đầu tư vào tiền ảo, anh Nam cho biết.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ từ thị trường chung, nhà đầu tư còn phải cẩn trọng với hàng loạt dự án núp bóng tiền ảo để thực hiện lừa đảo. Có thể kế đến như hàng loạt sàn giao dịch bị cơ quan chức năng triệt phá gồm Market Pro09, Bioptions, Rforex … những sàn này có từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn nhà đầu tư với số tiền đổ vào lên tới cả trăm tỷ đồng.

Cần chế tài kiểm soát đầu tư tiền ảo

Có thể nhận định, việc đầu tư, mua bán, trao đổi tiền ảo ở Việt Nam đang diễn ra rất phố biến. Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư chủ yếu tham gia với tính chất đầu cơ. Do đó, thiệt hại sẽ lớn nếu sự cố xảy ra, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những vụ lừa đảo dựa trên tiền ảo có cơ hội trục lợi. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để quản lý tiền ảo, từ đó, hạn chế tối đa rủi ro với nhà đầu tư.

Được biết, câu chuyện quản lý tiền ảo đã được đưa ra cách đây 5 năm khi vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1255 phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Tuy nhiên từ đó, cho đến nay, tất cả vẫn chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa đưa ra được một kết quả thực sự rõ ràng nào.

5 năm là quãng thời gian quá dài để có thể ra đời các văn bản pháp lý cho tiền ảo nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Nhìn sang nhiều quốc gia phát triển khác, có thể thấy, không thiếu nơi đã có những chế tài đủ mạnh cho lĩnh vực này.

Có thể kể đến như ở Mỹ, Bitcoin được coi như một loại hàng hóa và cho phép chứng khoán phái sinh dựa trên đồng tiền ảo này được giao dịch và những giao dịch này phải được báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý thuế. Điều này sẽ giúp hạn chế được các hoạt động thao túng giá Bitcoin, điều thường thấy trong giới tiền ảo, khi các cơ quan chức năng đã tăng cường giám sát.

Hay như Nhật Bản, ngay từ năm 2016, họ đã coi tiền ảo là một công cụ tài chính. Tuy nhiên, các hoạt động giao dịch hay đầu tư tiền điện tử bị kiểm soát rất chặt chẽ bởi các chế tài liên quan như phải có giấy phép và tài sản đảm bảo khi nhà đầu tư gặp rủi ro. Danh tính của nhà đầu tư phải được xác minh, lưu trữ và buộc phải cung cấp cho cơ quan chức năng nếu họ nhận ra giao dịch đáng ngờ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc cấm triệt để tiền ảo là điều không khả thi với Việt Nam. Bởi đây đang là xu hướng chung trên thế giới. Do đó, việc ban hành các quy định mới để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ hoạt động đầu tư, giao dịch loại tiền số này sẽ giúp hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia.

Việc công nhận tiền ảo là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự là điều rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các vấn đề có liên quan khác như quản lý hoạt động đầu tư, sàn giao dịch hay thậm chí là đánh thuế đối với tiền ảo. Đồng thời, từ đó, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ để đấu tranh với các hoạt động phạm pháp trong sử dụng tiền ảo.

Bên cạnh đó, do tiền ảo có tính ẩn danh cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì vậy Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các đồng đã được đăng ký và có danh tính cụ thể. Cần cấm tuyệt đối giao dịch các loại tiền ảo không rõ ràng về đơn vị chủ quản cũng như không có cơ sở để truy trách nhiệm nếu sự cố xảy ra. Thậm chí, có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký, luật sư Nguyễn Văn Tiến đưa ra ý kiến.

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tiền ảo lao dốc: Đã đến lúc người dùng cần được bảo vệtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *