Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm.
Mối quan hệ cộng sinh sống còn giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh những đóng góp của ngành ngân hàng với nền kinh tế.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của ngành như: lãi suất cho vay vẫn còn cao, tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm…
Thủ tướng cũng chia sẻ một số vấn đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng lưu ý. Trước hết, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhàg nước tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước cũng được Thủ tướng giao phải rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ “cộng sinh”, “nhân quả”, nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động “sống còn” của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ “cộng sinh” cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, “trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai”, Thủ tướng nói.
Tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lành mạnh, hiệu quả
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.
Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Lưu ý phải nắm chắc tình hình để lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt 4 công cụ có thể sử dụng gồm dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở. Thủ tướng cũng lưu ý, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.
Hai là, về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Đối với các tổ chức tín dụng, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay.
Ba là, về tỷ giá, tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Bốn là, về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Năm là, về công tác thanh tra, giám sát, tập trung đổi mới toàn diện bộ máy tổ chức, công tác cán bộ, cơ chế, quy chế hoạt động của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo phải thực sự chủ động, sớm phát hiện và đề xuất xử lý những vấn đề tồn tại, sai phạm quan công tác giám sát.
Sáu là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, số hóa, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay. Đồng thời, phải tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành ngân hàng cần tham gia tích cực hơn trong tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Cụ thể, ngành ngân hàng phải tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.
Theo đó, cần kiểm soát việc “đại chúng hóa” ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết…
Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: Trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ.
Tương tự, với ngành thị trường bất động sản, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nguồn: https://baomoi.com
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá “sốc”
- Fubon ETF đã giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam trong 2 phiên liên tiếp
- Thực đơn giảm cân cấp tốc 7 ngày cho gia đình siêu hiệu quả
- Hơn 859.000 tỷ được “bơm” vào thị trường bất động sản
- Sụt mất 6,2 tỷ USD, chứng khoán một tháng giảm mạnh hiếm có