Theo chuyên gia, hiện chỉ thị trường bất động sản ở thành phố lớn có diễn biến sôi động, giá tăng đột biến, còn các khu vực khác vẫn khá trầm lắng.
Đối nghịch giữa thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh
Theo số liệu từ các đơn vị nghiên cứu, từ đầu năm tới nay giá chung cư cũ và mới tại Hà Nội đều có mức tăng đột biến. Theo đó, giá trung bình của chung cư mới tại thị trường này hiện nay dao động từ 65 triệu đồng/m2 đến 70 triệu đồng/m2.
Không chỉ chung cư, các phân khúc như nhà trong ngõ, liền kề, biệt thự tại Hà Nội thời gian qua cũng tăng. Theo số liệu từ một đơn vị nghiên cứu bất động sản, tính từ quý I/2023 (thời điểm thị trường trầm lắng) tới nay, biến động giá tại một số khu vực ven Hà Nội đã tăng đáng kể. Cụ thể, tại huyện Hoài Đức giá đất đã tăng 81%, huyện Đông Anh tăng 53% và huyện Thanh Oai tăng tới 90% so với đầu năm ngoái.
Trái lại, tại các thị trường bất động sản tỉnh mới chỉ có xu hướng phục hồi nhẹ, chưa sôi động như Hà Nội. Ông Phạm Đức Toản – chuyên gia bất động sản – cho biết, hiện vẫn chỉ thị trường tại Hà Nội có diễn biến sôi động, mức giá của hầu hết các phân khúc đều tăng đột biến. Còn tại các thị trường bất động sản tỉnh hầu hết vẫn diễn biến khá trầm lắng.
Theo ông, ở những tỉnh thành có giá đất tăng nóng vào năm 2021-2022 thì đến nay đều nằm im, đặc biệt như Bắc Ninh, Bắc Giang. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với Quảng Ninh, Hải Phòng, song 2 địa phương này nhờ có động lực kinh tế phát triển tốt nên thị trường đã có giao dịch trở lại.
Một địa bàn khác có giao dịch cũng đang khó khăn như tỉnh Hòa Bình, địa bàn vốn được biết đến là sôi động về phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, giờ đây cũng kém thanh khoản.
Tại Thanh Hóa, ông Toản cho hay đây cũng là địa phương ghi nhận tình trạng sốt đất mạnh nhất trong năm 2021, khi nhà nhà, người người đều đi mua đất. Thế nhưng, lượng giao dịch ở đây hiện cũng thấp, đa phần nhà đầu tư muốn bán lại vẫn phải giảm giá khoảng 20% so với đỉnh.
Chuyên gia: Nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang thị trường bất động sản tỉnh
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Chung – Thành viên Tổ công tác thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho rằng, hiện “sóng” bất động sản mới chỉ diễn ra cục bộ tại Hà Nội và chưa lan tỏa ra các tỉnh, địa phương khác.
Theo ông, phải đến quý II/2025, thị trường đất nền mới có thể chứng kiến sự phát triển đồng đều hơn ở nhiều nơi. Tuy nhiên, việc đầu tư đất nền vào thời điểm hiện tại cần có tầm nhìn trung hạn, với thời gian thu hồi vốn ít nhất từ 1 đến 3 năm, thay vì kỳ vọng “lướt sóng” nhanh chóng.
Ông Chung cũng nhấn mạnh rằng giá đất nền vùng ven Hà Nội hiện đã ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu muốn đầu tư vào phân khúc này, nhà đầu tư nên chọn những khu vực có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển tốt nhưng giá đất chưa tăng quá nhiều trong thời gian qua.
“Một số nhà đầu tư đã bắt đầu hành trình đi mua gom đất nền tại một số khu vực giá chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Những người này đang có xu hướng đi trước đón đầu, vì hiện theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 quy định không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã trên cả nước”, ông nói.
Đồng thời, chuyên gia này khuyến cáo rằng các nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, tức là gom mua với số lượng lớn tại thời điểm này. Thay vào đó, họ nên lựa chọn những dự án có tính pháp lý rõ ràng, sản phẩm có giá trị hấp dẫn hoặc khu vực có đầy đủ tiện ích.
Lý giải về diễn biến trái chiều của thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh, chuyên gia Nguyễn Anh Quê cho rằng, nhu cầu đầu tư của người dân tại Hà Nội rất lớn, trước kia họ thường tỏa đi các tỉnh để mua bán bất động sản khiến thị trường khu vực trở nên sôi động.
Tuy nhiên, trải qua 2 năm thị trường bất động sản diễn biến trầm lắng, các nhà đầu tư tại Hà Nội đã thay đổi hành vi. Thay vì “đánh bắt xa bờ” như trước, họ rút dòng tiền khỏi các tỉnh và chuyển sang đầu tư các phân khúc bất động sản dòng tiền tại trung tâm Hà Nội như chung cư, nhà trong ngõ, liền kề, biệt thự và đất nền ngoại thành. Do đó, thị trường bất động sản Hà Nội đã nóng lên trong thời gian qua.
Theo ông, giá các phân khúc bất động sản tại Hà Nội đều đã đạt đỉnh vào tháng 4. Đối với chung cư, gần đây vẫn có những dự án tiếp tục tăng giá nhưng chỉ mang tính cục bộ, không đại diện cho toàn bộ thị trường. Về đất nền vùng ven, một số người đã đầu tư sớm từ giai đoạn 2022-2023 đã bắt đầu chốt lãi.
Đưa ra dự báo, ông Quê cho rằng, thời gian tới, một số người sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng tiền về các tỉnh, nơi giá bất động sản chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, phải đến năm 2026-2027 thị trường đất tỉnh mới có thể diễn biến sôi động trở lại. Trong đó, các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch sẽ đón nhận dòng tiền trước, sau đó mới lan tỏa rộng hơn tới nhiều tỉnh thành.
Nguồn: dantri.com.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trần
- Hợp vía Thần tài lại được quý nhân chỉ lối, 6 con giáp hốt bạc ngay tháng đầu năm
- Thị trường bất động sản 2023: Chờ chính sách
- Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB tăng mạnh nhất, nhiều nhà băng chuẩn bị trả cổ tức, cổ phiếu thưởng
- Top 35 bộ phim TVB Hong Kong kinh điển hay nhất mọi thời đại (Update 2021)