Chuyên gia cho rằng, với điểm tích cực từ kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng, một số Luật liên quan đến thị trường bất động sản vừa được thông qua, đây là tín hiệu cho thị trường 2024 có khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn một số thách thức.
Tại một sự kiện về bất động sản mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá thị trường bất động sản bắt đầu có các tín hiệu tích cực hơn so với năm 2022 và đầu năm 2023.
Cụ thể, dòng vốn cho các thị trường đầu tư đang có những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm. Thị trường chứng khoán đang phục hồi, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt về mức thấp như giai đoạn trước Covid-19, tỷ lệ lạm phát đang được kiểm soát.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đảo chiều chính sách tiền tệ sớm, lãi suất ít nhất đi ngang hoặc giảm nhẹ ở cả huy động và cho vay trong thời gian tới. Bức tranh kinh tế vĩ mô cũng có nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 5-5,2% và lạm phát giảm còn 3-3,5%, trong khi đầu năm là 5%.
Với bất động sản, chuyên gia đánh giá vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sắp tới có thể là Luật Đất đai sửa đổi. Điều này chưa từng có khi cả 3 luật quan trọng liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua gần như cùng 1 thời điểm, tạo chuyển biến lớn.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng thị trường vẫn còn những “điểm tối”, như tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng từ mức 1,72% cuối năm ngoái lên mức 2,89% tính đến tháng 9/2023, song vẫn ở dưới mức 3% trong tầm kiểm soát.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh, trong năm 2024 sẽ có khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm đáo hạn của tháng 9/2023.
Ông Lực cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục đưa ra các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đúng và trúng, kèm giải pháp, không kêu ca. Doanh nghiệp cũng phải quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, phân khúc để giảm bớt rủi ro.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, bối cảnh hiện tại người mua sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về tính pháp lý của các dự án bất động sản. Do vậy, những dự án có pháp lý hoàn thiện, tài chính minh bạch bền vững chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của cả người mua để đầu tư cũng như mua để ở.
Điểm đảo chiều của thị trường bất động sản có thể xuất hiện từ quý 2 – quý 4/2024. Thị trường sau đó sẽ bước vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định. Và phải đến năm 2026 thị trường mới có thể bước vào giai đoạn ổn định.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup, năm 2024 sẽ là năm mà thị trường bất động sản đón nhận cả cơ hội và thách thức đan xen. Bởi hoạt việc huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tổng lượng trái phiếu đến hạn năm 2024 vẫn lớn, lên đến gần 400.000 tỉ đồng. Cho nên, chỉ khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất và cơ quan quản lý tích cực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý thì khi đó thị trường sẽ có điểm mở.
Một số chuyên gia cho biết thêm: Với hai dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, sẽ tạo ra những tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Hai luật mới này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.\
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Clip: Mất phanh, xe tải đâm trúng 4 phương tiện rồi lật nghiêng
- Chi tiết lịch thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 của Hà Nội
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 31.3: Biến động lãi suất mới nhất
- Vốn FDI vào Bình Dương tiếp tục tăng
- Lãi suất ngày 30/5: Lãi suất huy động liên tục giảm sâu, gửi tiền ở ngân hàng nào có lãi cao nhất?