Giá trị khớp lệnh trên HoSE trong ba phiên gần nhất chỉ quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức phổ biến trên 20.000 tỷ/phiên duy trì trong phần lớn thời gian của tháng 3 trước đó.
Sau giai đoạn giao dịch đầy sôi động, thanh khoản thị trường chứng khoán đã bất ngờ “tụt áp” rõ rệt. Riêng trong phiên 11/4 khối lượng khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt hơn 640 triệu cổ phiếu, giá trị trên 15.100 tỷ, giảm so với phiên trước. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng qua, kể từ ngày 7/2/2024.
Thực tế, giá trị khớp lệnh trên HoSE trong ba phiên gần nhất chỉ quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với mức phổ biến trên 20.000 tỷ/phiên duy trì trong phần lớn thời gian của tháng 3 trước đó. Thậm chí, ở thời điểm giao dịch bùng nổ, thanh khoản thị trường nhiều phiên còn chạm ngưỡng tỷ USD.
Diễn biến sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, ngay cả việc VN-Index dứt chuỗi giảm, có phiên đầu tuần hồi phục mạnh với biên độ tăng trên 12 điểm cũng không thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Giao dịch vẫn lình xình trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chưa hết bi quan và không mấy mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu đã hồi trong khi áp lực bán cũng không lớn.
Trên thực tế, việc thanh khoản rơi về mức thấp phần nào cũng dễ hiểu trong bối cảnh thị trường đang có nhiều thông tin gây ảnh hưởng như giá vàng liên tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá cũng khiến nhà đầu tư có phần thận trọng, chậm lại quan sát thay vì giải ngân dồn dập.
Trong khi bối cảnh vĩ mô chưa quá khởi sắc, thị trường lại không có nhiều thông tin hỗ trợ khiến nhà đầu tư cá nhân ít giao dịch dẫn đến thanh khoản giảm mạnh. Thị trường cũng đang trong vùng “trống thông tin” gần đây, do vậy nhà đầu tư có sự nghỉ ngơi. Mùa báo cáo tài chính vẫn chưa bước vào cao điểm và mới chỉ có một số doanh nghiệp hé lộ số liệu quý 1. Tuy nhiên, luồng thông tin này khá rời rạc và chưa đủ để tạo ra hiệu ứng trên diện rộng.
Thêm vào đó, thị trường đã có quãng thời gian dài tăng điểm khá mạnh trong khoảng nửa năm qua do đó việc điều chỉnh giảm là bình thường.
Xét tới tình hình quốc tế, với số liệu lạm phát Mỹ vừa công bố, Fed nhiều khả năng sẽ chưa sớm hạ lãi suất. Điều này sẽ càng tạo áp lực nhất định lên sự ổn định tỷ giá VND/USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước; đồng thời kích hoạt dòng vốn rút khỏi những thị trường cận biên trong đó có Việt Nam. Dễ dàng nhận thấy việc khối ngoại đã bán ròng xuyên suốt từ tháng 3 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, lác đác vài phiên mua ròng song giá trị không đáng kể.
Lũy kế từ đầu năm 2024 tới nay, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 16.500 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE, tương đương 2/3 giá trị bán ròng của cả năm 2023 liền trước. Dù chỉ chiếm khoảng 10% giá trị giao dịch toàn thị trường những động thái “xả hàng” liên tục của nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Nhịp chỉnh là cần thiết và sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư
Cơ sở cho sự do dự của nhà đầu tư còn tới từ những dự báo mang tính thận trọng từ các chuyên gia. CTCK Chứng khoán KBSV trong báo cáo gần đây cho rằng một nhịp điều chỉnh là cần thiết để giải tỏa áp lực chốt lời, cũng như phản ánh các rủi ro từ yếu tố tỷ giá, trước khi thị trường nhận thêm sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản như tăng trưởng trong các mùa báo cáo KQKD, số liệu vĩ mô tích cực, hay các động lực đến từ việc triển khai hệ thống KRX, nâng hạng thị trường, và FED hạ lãi suất.
SSI Research cũng nhận định chỉ số VN-Index sẽ cần thêm thời gian tích lũy để vượt qua vùng đỉnh hiện tại 1.290-1.292 điểm và khả năng sẽ có rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4. SSI Research chỉ ra 2 yếu tố rủi ro có thể khiến thị trường cần có một “nhịp nghỉ” gồm: lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục song hành biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù vậy, vượt qua những rủi ro ngắn hạn, giới chuyên gia đánh giá vẫn tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2024. Ở bức tranh lớn, SSI Research tin rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp vẫn khiến cho lợi suất đầu tư trên thị trường cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong bối cảnh hiện tại. Sau các nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong tuần đầu tháng 4, P/E ước tính 1 năm của VN-Index đang ở mức 11,7 lần, tăng nhẹ từ mức 11 lần vào đầu tháng 3.
KBSV kỳ vọng áp lực tỷ giá chỉ mang tính chất thời điểm và triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn được đánh giá tích cực, nhịp điều chỉnh này là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu vùng giá thấp cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn.
Pyn Elite Fund trong một đánh giá gần đây cho rằng lãi suất thấp sẽ tác động đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Trong nửa cuối năm 2024 sang tới 2025, có thể kỳ vọng môi trường lãi suất quốc tế sẽ thuận lợi, giúp duy trì và thậm chí giảm lãi suất ở Việt Nam mà không gây áp lực tiêu cực lên tỷ giá. Sự thu hẹp chênh lệch lãi suất so với USD có thể làm mạnh đồng Việt Nam vào cuối năm, từ đó NHNN có thể dễ dàng điều chỉnh lãi suất và tỷ giá, điều này sẽ tạo đà tích cực cho tâm lý thị trường chứng khoán.
An ninh Tiền tệ
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Luật Đất đai sửa đổi: Cơ hội ‘hút’ vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên
- Lãi suất điều hành có thể giảm thêm 50 điểm?
- 3 tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD vào Việt Nam
- Vào thời điểm này, đụng đến chuyện siết trái phiếu doanh nghiệp là một việc làm vô cùng nguy hiểm
- Cá mập ngoại vẫn “đi săn” dù thị trường bất động sản giảm tốc