Tết xưa và tết nay
Mùa xuân là mùa sum vầy bên gia đình, mùa xuân làm cho con người càng trở nên phấn khởi, vui vẻ và cuộc sống trở nên nhộn nhịp hơn. Ở mọi nhà đều sắm cho mình cành mai vàng hay cành hoa đào, bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ; và dọn dẹp, sửa sang nhà cửa để đón Tết (Tết truyền thống).
Tết trong ký ức
Khi còn là một đứa trẻ vô lo, vô nghĩ, tôi chỉ ăn và chơi, tới tuổi đi học. Cứ mỗi lần nghe sắp tết là tôi vui lắm ! Thế nào rồi tôi cũng được mẹ mua cho quần áo mới, dép mới và được lì xì đầu năm nữa.
Tôi vốn được sinh ra ở một vùng quê, đa phần là người dân thuần nông và gia đình tôi cũng không ngoài diện đó. Gần tết, tôi cùng bố đi phơi sương bột bánh in rồi cùng bố làm bánh in, làm thì ít mà bốc vụng bột của bố bỏ vào miệng thì nhiều, nên tôi bị bố mắng. Tối ngày hôm sau, tôi phụ lau lá dong, cắt lá để gói bánh chưng, tuy tôi không biết gói nhưng cũng được tự tay gói một cái và kết quả sau khi luộc và ép thì bánh của tôi là cái bánh sần sùi nhất. Rồi tôi cùng bố làm bánh ít trắng nhân đậu xanh và cả bánh mật nữa. Tôi thích tết lắm vì tết tôi được cùng bố làm nhiều thứ bánh, ngon ơi là ngon !!! Còn đi qua nhà chú thím để phụ làm mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt chùm ruột… nào bột, nào màu dính đầy lên quần áo.
Ngày còn nhỏ tôi hay được mọi người mừng tuổi, lì xì. Tôi không biết đồng tiền nào to, đồng tiền nào nhỏ, tôi đưa cho mẹ và đếm đủ số tờ, khi tết xong mẹ trả cho tôi toàn tờ một ngàn và hai ngàn đúng như số tờ mà tôi đã đưa cho mẹ giữ. Ở trong vòng tay bố mẹ tôi bắt đầu lớn hơn và biết đòi. Đòi bố mẹ mua quần áo mới, dép mới, mũ mới nữa. Nhà tôi nghèo, mẹ tôi không đủ khả năng để mua đồ tết cho bốn chị em một lần, khi nào có tiền thì mẹ mua cho chị cả trước, đến anh, đến chị kề tôi rồi mới đến tôi. Bản tính tôi hay khóc, tôi là đứa con út nên hay được bố chiều chuộng. Nhớ có một lần, tôi lấy cái rổ trên cái cối xay đậu và tôi thấy một đôi dép mới, tôi tưởng của tôi nhưng thật ra đôi dép đó là của chị tôi và tôi cũng đòi được mua dép như chị rồi tôi khóc và rồi cũng được mua dép (nhưng lúc đó là mẹ tôi đi mua nợ). Bắt đầu tôi vui mừng và không khóc nữa. Bấy giờ tôi cũng phụ anh chị quét màng nhện, rửa bàn ghế, trang trí nhà cửa để đón tết. Trang trí cho cành mai mà bố tôi đi rừng từ khuya đến tối mới có được, nào là dây kim tuyến, đèn nhấp nháy, …. Và đến gần giao thừa, anh trai tôi lấy củi và chất lại thành đống, đúng giờ giao thừa anh đốt đống củi cho cháy, tôi cũng nghịch ngợm lắm tôi lấy muối ném vào lửa đang cháy để cho nổ giống pháo bông. Rồi tới sáng mùng mồng một, tôi cùng bố mẹ và anh chị đi chúc tết ông bà, các bác, chú thím…. Sang mùng hai, các chú thím, các em, các cháu đến thăm và chúc tết gia đình tôi. Rồi mùng ba là tôi chuẩn bị quà đi chúc tết thầy, cô giáo.
Và khi tôi đủ lớn, đủ suy nghĩ thì tôi lại không ở với bố mẹ và gia đình. Và tôi bắt đầu theo con đường đạo Phật khi tôi tròn 18 tuổi.
Tết bây giờ
Tôi là một người xuất gia, cũng có tết. Huynh đệ cùng nhau dọn dẹp lau chùi chánh điện, treo băng rôn, treo cờ, trồng cây, thiết đàn tràng Dược sự, cắm hoa, đơm trái cúng dường lên chư Phật. Cứ mỗi độ dọn dẹp là tôi lại nhớ nhà, nhớ những ngày làm bánh cùng bố…, mỗi tối gần tết tôi lại được nghe điện thoại từ mẹ tôi: “Tết này con có về không?”. Tôi đi xuất gia gần 10 năm rồi, năm nào tôi cũng được mẹ gọi và hỏi như thế! Nhưng mỗi năm, cảm giác tôi nghe từ giọng của mẹ là khác nhau. Và câu trả lời của tôi là con sẽ về.
Đêm giao thừa, Sư phụ cùng huynh đệ chung tôi lên chánh điện khai kinh đầu năm và cầu quốc thới dân an. Sau khóa lễ tụng kinh là huynh đệ chúng tôi đảnh lễ và khánh tuế Sư phụ đầu năm. Huynh đệ chúng tôi đi học mỗi người mỗi nơi, chỉ có tết là có mặt đông đủ. Sáng mồng một, khách thập phương về thắp hương lễ Phật, cầu nguyện cho gia đình được vạn sự bình an và họ ở lại Tịnh xá cúng hội đầu năm và dùng cơm chay rồi họ trở về nhà. Qua ba ngày tết, sáng mùng 4 tôi bắt xe về thăm lại bố mẹ và gia đình sau một năm không gặp. Về được ba ngày, tôi lại tiếp tục đi trên con đường mà tôi đã chọn, ngồi trên xe tôi nghĩ: “Ước gì đừng có tết, để bố mẹ không phải thêm một tuổi, già hơn và yếu dần đi”. Nhưng ước vẫn chỉ là ước thôi.
Tới ngày rằm tháng Giêng, là một trong ba rằm lớn trong năm, phụ rằm xong, tôi trở lại trường để tiếp tục học trên con đường tìm cầu giáo pháp.
Bây giờ chẳng còn bao lâu nữa là tết, trời cũng đã chuyển đông, kính chúc bố mẹ thật nhiều sức khỏe, chỉ cần bố mẹ có sức khỏe là con vui rồi.
Kính chúc mọi người một mùa xuân an lạc, vô lượng kiết tường.
Nguồn: Phatgiao.Org.Vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Vừa tăng lương cơ sở được một tháng, mặt bằng giá cả đã leo thang
- Tiện ích tại bất động sản chăm sóc sức khỏe – VnExpress
- Đi họp phụ huynh cho con, ông bố bỗng nổi tiếng khắp mạng xã hội: Chăm chỉ cả năm không ai thấy, một lần ngủ gật cả nước hay!
- Viettel và NVIDIA bàn về hạ tầng siêu máy tính
- Kinh ngạc với khối tài sản bị phong tỏa của Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt