Chính sách visa mới bắt đầu lan tỏa hiệu ứng tích cực và nhu cầu tìm kiếm điểm đến Việt Nam tăng vọt.
Ngày 14-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho biết đang tất bật chuẩn bị đón những đoàn khách quốc tế đi theo lịch đặt trước cho mùa cao điểm của năm (thường bắt đầu từ khoảng tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau).
Hướng đến thị trường mới
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị Truyền thông – Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết ngay trong ngày 14-9, công ty có một đoàn khoảng 30 khách quốc tế từ Úc bắt đầu chuyến tham quan, trải nghiệm các điểm đến ở Việt Nam. Điểm đặc biệt của đoàn khách này là họ trở lại sau khi đã đến Việt Nam du lịch ngay trong giai đoạn dịch COVID-19.
“Thời điểm đó, họ đặt tour trên website của công ty và giờ trở lại cho thấy tín hiệu tích cực, nhất là khi đoàn khách này yêu cầu về chất lượng dịch vụ sản phẩm du lịch cao. Không chỉ khách Úc, các đoàn khách Đức, Pháp ở phân khúc trung, cao cấp cũng tăng. Giá tour của dòng khách này tăng 20% so với trước dịch đi cùng tiêu chuẩn về chất lượng, dịch vụ sản phẩm cho thấy điểm đến Việt Nam ngày càng hấp dẫn” – bà Thanh Trà kể.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong 8 tháng của năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 7,8 triệu lượt khách quốc tế; 86 triệu lượt khách nội địa và kỳ vọng sẽ càng khởi sắc hơn sau khi chính sách visa mới chính thức phát huy hiệu quả. Tại nhiều công ty du lịch, lượng khách quốc tế đã đặt tour trước đó vài tháng, nửa năm hoặc khách đặt tour đi ngay trong một vài tuần đang tăng lên.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết trong 8 tháng của năm 2023, công ty đã thực hiện được khoảng 75%-80% kế hoạch năm dù bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Với đà khách quốc tế tăng mạnh từ nay đến cuối năm, Vietravel tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách châu Á. Về thị trường khách nói tiếng Ả Rập, dù lượng khách chưa nhiều nhưng chi tiêu cao, khả năng chi trả lớn nên doanh nghiệp đã đầu tư mạnh cho quảng bá, xúc tiến, giới thiệu ẩm thực tới du khách…
“Các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ cũng được chú trọng, đặc biệt là sau khi chính sách nâng thời hạn lưu trú miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày. Đây là những thị trường chưa hẳn chi tiêu cao nhất nhưng lại lưu trú trong thời gian dài nên chúng tôi đang đẩy mạnh các tour liên tuyến kết hợp giữa Việt Nam với Lào, Campuchia để du khách trải nghiệm đa dạng” – bà Phương Hoàng nói.
Thông thoáng visa và nhiều hơn nữa…
Thực tế, sau một tháng khi chính sách visa mới có hiệu lực, theo hướng áp dụng thị thực điện tử (e-visa) cho tất cả các nước, vùng lãnh thổ và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với du khách của các thị trường được miễn visa, ngành du lịch đã có những tín hiệu khởi sắc. Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, cho biết đối tác nước ngoài sang Việt Nam khảo sát điểm đến, khảo sát thị trường cho mùa đón khách năm 2024 nhiều hơn. Họ cũng đặt mục tiêu về doanh số, chi tiêu của du khách tại Việt Nam cao hơn, nhất là các thị trường khách Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc… Những đối tác từ các thị trường mới như Đông Âu, Trung Đông hay Ấn Độ cũng quan tâm nhiều hơn tới du lịch Việt Nam.
“Từ nay tới cuối năm, dự báo lượng khách quốc tế sẽ không có sự đột biến nhưng triển vọng rất khả quan do hiệu ứng tích cực từ chính sách visa mới. Dù vậy, visa không phải là cây đũa thần, để đem lại hiệu quả tốt nhất cần đồng bộ thêm nhiều giải pháp về cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ điểm đến, tour tuyến. Ngành du lịch cần chia nhỏ thị trường để có chính sách quảng bá, xúc tiến phù hợp, như khách Trung Quốc chưa như kỳ vọng cần thay thế bằng thị trường nào tiềm năng hơn?” – ông Phạm Hà nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM (ITE HCMC) năm 2023 vừa diễn ra, đã có rất nhiều đối tác nước ngoài đến tham dự để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội và đưa khách tới Việt Nam, góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm đến du lịch thành phố và cả nước.
Sở Du lịch TP HCM cho biết ITE HCMC với sự góp mặt của 3.500 đại biểu đến từ các tổ chức du lịch quốc gia, đơn vị nghiên cứu du lịch, công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển cùng tập đoàn lớn…
Có 199 người mua quốc tế từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đều là những thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam. Hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại giữa đối tác nước ngoài và doanh nghiệp trong nước mở ra cơ hội xúc tiến, hợp tác cùng khai thác, phục vụ khách du lịch.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định những sự kiện như ITE HCMC hay đặc biệt là chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Việt Nam mới đây là cơ hội quảng bá rất tốt hình ảnh, điểm đến du lịch Việt Nam. Nếu làm tốt, không chỉ mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm nay mà ngành du lịch có thể đạt tới 10 triệu lượt khách hoặc hơn nữa.
Hướng đến dòng khách chi tiêu cao
Bà Đoàn Thị Thanh Trà cho hay nếu so với năm 2019, lượng khách quốc tế đến của Lữ hành Saigontourist ở thời điểm này đã vượt khoảng 5%. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng con số tăng trưởng về chất lượng, doanh thu còn quan trọng hơn. Cụ thể là tính hiệu quả của một khách quốc tế đến khi lưu trú, chi tiêu ở Việt Nam. Do đó, định hướng của công ty trong khai thác khách quốc tế là tập trung vào dòng khách trung, cao cấp và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ để đem lại hiệu quả, giá trị gia tăng cao nhất cho ngành du lịch.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Đất đai cần trở thành nguồn lực cho phát triển
- Thống đốc NHNN: Sẽ xem xét kéo dài Thông tư 02 về giãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ
- Quốc hội vừa bấm nút thông qua Nghị quyết mới, tạo đột phá cho TP.HCM với tỉ lệ tán thành 97,37%
- Cựu Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng qua đời
- Cuộc cách mạng AI sẽ thay đổi công việc của con người như thế nào?