“Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” là chủ đề Hội thảo khoa học được Báo Đầu tư tổ chức diễn ra vào sáng 19/10.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư cho biết: Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, luật sư, lãnh đạo doanh nghiệp về việc tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kiến tạo hạ tầng du lịch trong Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 239 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị ba sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường này, ngoài tác động của COVID-19 thì việc thiếu vắng một chiến lược phát triển toàn diện cho ngành du lịch, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác hiệu quả tài nguyên từ đất đai cũng như cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch tại Việt Nam là thách thức rất lớn.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, yếu tố kinh tế – tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50% và yếu tố khác chiếm 20%. Số liệu trên cho thấy những khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã và đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư về tính an toàn pháp lý hay những rủi ro có thể xảy ra.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng: Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 – 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 – 15% và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, hạ tầng du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nâng tầm diện mạo đô thị, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Trong khi đó thực tế hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa thực sự tạo động lực cho phát triển hạ tầng du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này.
Có thể thấy, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Cụ thể Luật Du lịch được quốc hội thông qua vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với phạm vi điều chỉnh liên quan quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch.
Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch. Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nhà nước thực hiện thu hồi đất, kể cả các công trình như: kho chứa dầu thô, kho chứ, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh.
Mặc dù đã có tiếp thu, điều chỉnh phù hợp, song những quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất vẫn chưa rộng cửa cho cá nhân, tổ chức tiếp cận đất đai phục vụ phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch.
Các ý kiến từ thị trường và các nhà khoa học đã làm sáng rõ, góp phần hoàn thiện để Dự Luật Đất đai (sửa đổi) có được một “phiên bản” hoàn hảo nhất có thể trước khi được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua và có hiệu lực thi hành trên thực tế.
Nguồn: https://baotintuc.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Giá vàng ngày 8/6: Chuyên gia nói dù vẫn lạc quan về vàng trong dài hạn, nhưng bây giờ không phải là lúc để mua vào
- Cách tăng tốc độ download IDM lên tối đa (Cập nhật 2020)
- Chia sẻ Gameshow Giáo lý làm bằng Powerpoint – Cuộc thi Lên đường với Chúa
- Hạ tầng đô thị Thành phố Tân Uyên (Bình Dương) phát triển mạnh
- 48 giờ điên rồ trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ