Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và đấu giá cổ phần thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang “thiếu hàng”

141 lượt xem - Posted on

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và đấu giá cổ phần thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "thiếu hàng"

Bóng dáng các “bom tấn” có thể niêm yết trong ngắn hạn gần như không có sau khi một số tên tuổi được chờ đợi đã “quay xe” vì nhiều lý do khác nhau.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), 6 tháng đầu năm chỉ có duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã PVP). Đến thời điểm hiện tại đây là lượng cổ phiếu niêm yết mới trong một năm thấp nhất lịch sử. Dù còn 6 tháng để cải thiện nhưng có thể thấy chưa bao giờ hoạt động niêm yết trên HoSE lại ảm đạm như hiện tại.

Không chỉ thiếu về lượng, hoạt động niêm yết mới trên HoSE còn thiếu cả về chất. Số lượng hồ sơ chờ duyệt chỉ khoảng hơn chục, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang giao dịch trên UpCOM muốn chuyển niêm yết. Bóng dáng các “bom tấn” gần như không có sau khi một số tên tuổi được chờ đợi đã “quay xe” vì nhiều lý do khác nhau.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và đấu giá cổ phần thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "thiếu hàng" - Ảnh 1.

Đáng chú ý nhất là việc Nova Consumer (NCG) lỗi hẹn niêm yết sau khi nhận được thông báo của HoSE vào tháng 12 năm ngoái về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết do chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn. Đến tháng 4/2023, doanh nghiệp đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE nhưng cũng để ngỏ khả năng đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UpCOM.

Nova Consumer từng chia sẻ công ty định hướng đẩy mạnh mảng bán lẻ tiêu dùng với mục tiêu doanh thu tỷ USD vào năm 2026. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu chạm mức vốn hoá tỷ USD ngay trong năm 2026. Sau thương vụ IPO tháng 3 năm ngoái, Nova Consumer được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” khi niêm yết. Tuy nhiên, với những động thái gần đây, viễn cảnh trên có lẽ sẽ khó xảy ra trong tương lai gần.

Một tên tuổi khác là Tôn Đông Á cũng đã bất ngờ gửi công văn đến HoSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hồi tháng 4 năm nay. Lý do xin rút hồ sơ Tôn Đông Á đưa ra là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và công ty nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Sơn Đông Á, Lập Phương Thành đã rút hồ sơ niêm yết để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Trong khi, HoSE cũng thông báo dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn do doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ và giải trình theo yêu cầu.

Mặt khác, một doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành ‘bom tấn” trên sàn chứng khoán là Thaco Auto – thành viên Thaco Group của tỷ phú Trần Bá Dương đã đánh tiếng muốn niêm yết trong 3 năm tới. Tuy nhiên, thương vụ mới chỉ dừng ở bước kế hoạch và doanh nghiệp này vẫn còn cách rất xa việc chính thức niêm yết.

Trước đó, “Kỳ lân” công nghệ VNG (mã VNZ) lên sàn UpCOM nhưng chưa để lại dấu ấn nào thực sự ấn tượng ngoại trừ thị giá cao ngất ngưởng. Thanh khoản quá nhỏ giọt thậm chí nhiều phiên không có giao dịch khiến tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp từng chạm đến mức vốn hoá tỷ USD này, gần như không đáng kể.

Trong khi đó, những DNNN đang nằm trong danh sách cổ phần hoá thực sự được nhà đầu tư quan tâm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin – TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1… và lộ trình lên sàn vẫn còn bỏ ngỏ.

Không chỉ vắng bóng “bom tấn” niêm yết mới, hoạt động đấu giá cổ phần trên HoSE cũng diễn ra ảm đạm thời gian qua. Trong năm 2022, tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên con số này xuống dưới 1.000 tỷ sau gần một thập kỷ.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và đấu giá cổ phần thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "thiếu hàng" - Ảnh 2.

Trong năm 2022, HoSE đã tổ chức 9 đợt đấu giá, trong đó có 1 đợt cổ phần hóa, 3 đợt thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và 5 đợt chào bán theo giấy phép của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo HoSE, thị trường chứng khoán năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề trong và ngoài nước đã tác động đến hoạt động đấu giá.

6 tháng đầu năm nay, dù tình hình thị trường đã ổn định hơn nhưng hoạt động đấu giá vẫn rất heo hút. Trên HoSE chỉ có duy nhất một thương vụ đấu giá thành công cổ phần tại PGBank do Petrolimex nắm giữ với giá trị gần 2.600 tỷ đồng.

Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu “hàng mới” chất lượng khiến làn sóng nhà đầu tư mới tham gia tăng vọt nhưng không có nhiều lựa chọn. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc trong các ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép… Quy mô vốn hóa tăng trưởng chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên.

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và đấu giá cổ phần thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang “thiếu hàng”trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *