Trong 11 tháng của năm 2024, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vẫn có hơn 1.100 doanh nghiệp phá sản.
Hơn 4.200 doanh nghiệp bất động sản mới thành lập
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm 2024 có 4.241 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có 1.137 doanh nghiệp bất động sản giải thể, giảm nhẹ khoảng 1%.
Đây cũng là xu thế chung khi thống kê chung của tất cả các lĩnh vực có 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số doanh nghiệp thành lập mới phân chia theo 7 nhóm lĩnh vực hoạt động thì số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đứng thứ 6 với 4.241 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với nhóm dẫn đầu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (59.961 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, về số lượng doanh nghiệp giải thể thì nhóm kinh doanh bất động sản đứng thứ 3/7 nhóm lĩnh vực hoạt động được thống kê.
Sự biến động về số lượng doanh nghiệp ở cả chiều tăng lẫn giảm cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách lạc quan, đây cũng là một phần của quá trình điều chỉnh cần thiết để thị trường phát triển bền vững.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1,45 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 905.700 lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, tương đương về vốn đăng ký và giảm 8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là hơn 2,9 triệu tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 71.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên hơn 218.500 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96.200 doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9%; gần 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc để phát triển
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 thị trường sẽ tốt hơn nhờ “trợ lực” của nhiều Thông tư và Nghị định hướng dẫn được ban hành hoặc có hiệu lực trong quý III/2024 sẽ đẩy nhanh việc phát triển dự án và bán hàng vào năm 2025.
Cụ thể có hơn 20 Nghị định, Thông tư đã được ban hành trong quý III/2024 để hỗ trợ thực hiện các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Chủ đầu tư được hướng dẫn rõ ràng hơn để tiến hành các thủ tục và thúc đẩy phát triển nhiều dự án mới như: định giá đất, thu hồi đất, các khoản phí và nhiều yếu tố khác…
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết, đến nay, tình thế đã đảo ngược so với thời điểm quý I/2024 khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp mới, nhất là doanh nghiệp bất động sản.
“Tuy nhiên, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn khá yếu. Việc các doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, gây giảm sút ngân sách, việc làm và thu nhập. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới thành lập thường cần thời gian để ổn định hoạt động và đóng góp vào nền kinh tế”, ông Thiên nhận định.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến và với việc 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, các doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc, cập nhật, điều chỉnh chiến lược đầu tư, kinh doanh để thích ứng với những thay đổi của pháp luật và thị trường.
Về góc độ tích cực, một số chuyên gia phân tích, thị trường đang trong quá trình tự điều chỉnh và thanh lọc. Các doanh nghiệp yếu kém sẽ dần rút lui, nhường chỗ cho những doanh nghiệp mạnh hơn, có khả năng thích ứng và phát triển bền vững.
Tương tự, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng có tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao, thậm chí có nơi con số này còn vượt xa số lượng doanh nghiệp gia nhập mới. Do đó, có thể nhìn nhận sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường như một cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo: https://etime.danviet.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thầy giáo bán vàng cưới để dạy học miễn phí suốt 15 năm, bao lần bật khóc vì chứng kiến quá nhiều chuyện “khó nói”
- Bộ Xây dựng báo cáo việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
- Thị trường bất động sản dự báo tín hiệu lạc quan hơn vào cuối năm
- Sụt mất 6,2 tỷ USD, chứng khoán một tháng giảm mạnh hiếm có
- Top 10 ứng dụng xem phim trên iPhone (iOS) hay nhất 2021