Ngày mai, 27-6, 1.024.063 thí sinh sẽ làm thủ tục đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại 2.273 điểm thi trên cả nước
Huy động nhiều nhân lực
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến thời điểm này, các địa phương đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này. Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương cho biết Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Thành phố dự kiến bố trí 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận/huyện/thị xã với 4.263 phòng thi. 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động tham gia coi thi tại các điểm thi; 600 cán bộ, giáo viên được điều động tham gia chấm thi. Hà Nội còn bố trí 532 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi.
Tại Quảng Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Thúy cho hay toàn tỉnh có 16.024 thí sinh đăng ký dự thi tại 37 điểm thi với tổng số 701 phòng thi, tăng 11 phòng so với năm ngoái. Với hơn 3.000 nhân sự được huy động tham gia tất cả các khâu, đến nay, Quảng Ninh đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội
Năm nay, Bắc Giang có 21.081 thí sinh đăng ký dự thi. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa, sở này đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức kỳ thi. Sở còn phối hợp với công an tỉnh để bảo vệ an ninh, an toàn tất cả các khâu trong kỳ thi.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng cho biết 3.000 nhân sự được huy động để phục vụ kỳ thi này. Tỉnh Đồng Nai cũng huy động gần 6.000 người phục vụ kỳ thi, riêng Ban Coi thi là 5.200 người. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, thông tin tỉnh có 16.213 thí sinh đăng ký dự thi tại 31 điểm thi.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra giáo dục – Bộ GD-ĐT, cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, bộ điều động khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên từ các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi, chấm thi tại 63 tỉnh, thành phố. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tăng cường bảo mật đề thi ở các khâu, trước mắt là khâu in sao. Theo đó, các địa phương cần bố trí nơi in sao đề thi với 3 vòng độc lập và đáp ứng các yêu cầu chung. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.
Năm nay, đề thi tốt nghiệp nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn ở một số môn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay việc tăng cường vận dụng thực tiễn ở một số môn thi nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực để phù hợp yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05 – Bộ Công an, hiện trên không gian mạng còn rất nhiều trang rao bán các thiết bị công nghệ cao phục vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát để xử lý.
Các phương thức, thủ đoạn gian lận thi cử không mới, chủ yếu vẫn sử dụng tai nghe thu nhỏ, thiết bị ngụy trang nhằm thu phát sóng, liên lạc như đồng hồ, khuy áo, khuyên tai, máy tính…, sau đó truyền thông tin, hình ảnh ra ngoài để nhờ hỗ trợ giải đề thi. Tuy nhiên, tình hình gian lận ngày càng tinh vi khi các đối tượng tự mua thiết bị trên thị trường để tích hợp. Do đó, các địa phương cần xây dựng phương án vận chuyển đề, bài thi để bảo đảm an toàn, bảo mật; đồng thời tập huấn cho cán bộ coi thi nhận biết, phát hiện các thiết bị hiện đại có thể ngụy trang dưới dạng đồng hồ, kính mắt…; tăng cường giám sát thí sinh trong phòng thi để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận.
Liên quan việc kỷ luật phòng thi, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương băn khoăn về quy định những vật dụng thiết yếu bảo đảm sức khỏe cho thí sinh. Ví dụ, máy trợ thính là thiết bị truyền, nhận thông tin có được phép mang vào phòng thi hay không? Nếu có, cách thức kiểm soát như thế nào, bởi đây cũng có thể là nguồn dễ phát sinh gian lận thi cử?
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, việc không quy định danh mục các loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi có thể gây khó khăn cho cán bộ coi thi. Bởi lẽ, năng lực của nhiều cán bộ coi thi không đủ để kiểm tra, kiểm soát các thiết bị công nghệ cao. Điều này cũng dễ tạo điều kiện cho thí sinh lợi dụng để gian lận.
Thí sinh được mang gì vào phòng thi?
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố, có một số quy định mới liên quan trách nhiệm của thí sinh. Cụ thể, trong kỳ thi năm nay, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng: bút, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý. Với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài; phải nộp lại bài kèm đề thi, giấy nháp. Khi rời phòng thi, thí sinh phải di chuyển đến phòng chờ và ở tại đây trong suốt thời gian còn lại của buổi thi, không được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi như những năm trước.
Nguồn: Người Lao động.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tăng như vũ bão, giá vàng miếng SJC sắp chạm 110 triệu đồng/lượng
- Fed tăng lãi suất cao kỷ lục 22 năm: Tác động thế nào đến Việt Nam?
- iOS 18 chính thức ra mắt: Tích hợp “AI” Apple Intelligence và ChatGPT, tùy biến giao diện như Android, Control Center mới, khóa ứng dụng bằng Face ID, nhắn tin qua vệ tinh…
- CBRE: Giá chung cư dự kiến sẽ tăng 4-7% trong thời gian tới
- Bình Dương họp báo thông tin vụ cháy 33 người chết