Những trợ thủ của bà Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát

138 lượt xem - Posted on

Trương Huệ Vân được giao quản lý nhiều doanh nghiệp trong “đế chế” Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Vân đứng tên và điều hành nhiều công ty “ma” với mục tiêu lập hồ sơ giả mạo để chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ Ngân hàng SCB.

Dùng hệ sinh thái công ty “ma” để rút tiền

Trong vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) đang đối diện với cáo buộc “Tham ô tài sản”. Bà Vân đảm nhận chức vụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của nhiều công ty và đóng vai trò quan trọng trong các công ty thuộc “đế chế” Vạn Thịnh Phát .

Trước khi bị bắt giữ, Vân đứng tên cho 35 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Bà Vân được biết đến là người có ảnh hưởng lớn trong “đế chế” Vạn Thịnh Phát và thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để nói về các dự án kinh doanh.

Những trợ thủ của bà Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát - Ảnh 1.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân khi bị bắt. Ảnh: BCA

Quá trình điều tra xác định, Vân đã chỉ đạo thành lập nhiều công ty “ma” để tạo ra các kế hoạch kinh doanh giả mạo, nhằm lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài hành vi trên, vợ chồng Chu Lập Cơ, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố để điều tra về tội “Rửa tiền”, tuy nhiên hành vi này được cơ quan điều tra tách hồ sơ, xử lý ở giai đoạn sau vụ án.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ, bà Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập và sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty có hoạt động thật, mục tiêu là tạo ra 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi Ngân hàng SCB.

Tính đến ngày 17/10/2022, có 155 khoản vay liên quan đến Trương Huệ Vân với dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng Vân đã tham gia vào hành vi “Tham ô tài sản” và chịu trách nhiệm liên đới với việc chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi hơn 25 tỷ đồng.

Các nhân viên cấp dưới của Vân cũng được chỉ đạo tham gia vào việc lập hồ sơ vay vốn giả mạo và chiếm đoạt tiền từ Ngân hàng SCB theo hướng dẫn của bà này.

Để đạt được mục tiêu vay vốn tại SCB, Vân đã chỉ đạo Long và Nhân (nhóm của ông Lê Văn Nhân) thành lập và đứng tên cho 26 công ty “ma”. Nhóm của Nhân cũng chuyển 26 công ty khác cho Long để tạo lập hồ sơ vay khống tại SCB. Cả hai bên đã thực hiện các thỏa thuận trái pháp luật để chiếm đoạt số tiền từ Ngân hàng SCB.

Cả Long và Nhân đã thừa nhận rằng các công ty “ma” được lập ra không có hoạt động kinh doanh thật sự. Số tiền thu được từ việc rút ruột tại SCB thông qua các hồ sơ giả mạo đều đã được chuyển về cho nhân viên của Vạn Thịnh Phát theo sự hướng dẫn từ Trương Huệ Vân.

“Cánh tay đắc lực” của nữ chủ tịch

Ngoài Trương Huệ Vân, bà Trương Mỹ Lan còn có một “cánh tay nối dài” khác là cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB – Võ Tấn Hoàng Văn.

Những trợ thủ của bà Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Phát - Ảnh 3.
Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan khi chưa vướng lao lý

Bị can Văn có quá trình gắn bó với SCB nhiều năm, trải qua nhiều vị trí và dần trở thành thân tín của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ông Văn bắt đầu làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng Giám đốc.

Đến tháng 7/2020, ông được bà Trương Mỹ Lan “cho ngồi” vào vị trí Tổng Giám đốc SCB. Người này được bà Lan tin tưởng giao “nhiệm vụ” mang hơn 5 triệu USD đi hối lộ trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước).

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình thanh tra, nội dung vi phạm lớn nhất tại SCB là việc cho vay tín dụng đối với các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Hồ sơ vay có nhiều vi phạm, số tiền cho vay lớn, có nguy cơ không thu hồi được nợ đối với 71 khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Những vi phạm này theo bà Đỗ Thị Nhàn là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự nên bà Nhàn cho gặp bà Trương Mỹ Lan để trao đổi, bàn về phương hướng khắc phục, tránh bị xử lý hình sự, cũng như tránh để SCB bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”.

Nhận được “thông điệp” trên của bà Nhàn từ ông Văn, bà Trương Mỹ Lan đã bay ra Hà Nội để gặp bà Nhàn để bàn cách tháo gỡ những vi phạm của SCB.

Sau khi bà Nhàn và bà Lan trao đổi, thống nhất xong, bà Nhàn đã báo lại ông Văn về việc bà Nhàn đồng ý chỉ thanh tra phạm vi, thời kỳ nợ nhóm 71 khách hàng đến 30/6/2017, không thanh tra các khoản phát sinh sau ngày 30/6/2017 và yêu cầu SCB chủ động thanh toán toàn bộ khoản vay thì đoàn thanh tra sẽ không có căn cứ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 10 đến tháng 12/2018, giai đoạn xây dựng dự thảo kết luận thanh tra để xin ý kiến các bộ ngành liên quan, ông Văn và lái xe đã 3 lần mang thùng xốp đựng USD đến hối lộ bà Nhàn. Trong đó, một lần đưa một thùng có 1 triệu USD; hai lần đưa thùng có 2 triệu USD.

Theo kết luận điều tra về vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố chồng bà Trương Mỹ Lan là ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square.

Ông Cơ đã thống nhất việc sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên của các cá nhân và tổ chức do bà Lan chỉ định. Năm 2009-2012, ông Cơ ký các biên bản họp và nghị quyết chấp thuận thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do bà Lan chỉ đạo tại SCB.

Kết luận điều tra cho rằng, hành vi của ông Cơ đã gây thiệt hại hơn 39.000 tỷ đồng cho SCB, bao gồm cả tiền gốc và lãi. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, ông Cơ đã nhận thức rõ hành vi phạm tội và đã tự nguyện nộp lại 1 tỷ đồng vào ngày 5/10/2023 để khắc phục một phần hậu quả của vụ án.

Nguồn: https://cafef.vn

Bạn đang xem Những trợ thủ của bà Trương Mỹ Lan trong vụ Vạn Thịnh Pháttrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *