Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách các đơn vị được nới room, song một số ngân hàng trước đó đã mong muốn được tăng hạn mức tín dụng.
Ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Theo NHNN, việc điều chỉnh này được thực hiện trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra và nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành TTTD linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành CSTT phù hợp.
Văn bản được NHNN gửi các ngân hàng thương mại cho biết, các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng theo nguyên tắc: Dư nợ tín dụng tăng thêm so với chỉ tiêu NHNN đã thông báo trước đó = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 x Điểm xếp hạng năm 2023 x 0,5%.
Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách các đơn vị được nới room, song một số ngân hàng trước đó đã mong muốn được tăng hạn mức tín dụng.
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần chiều ngày 21/9, Chủ tịch HDBank Kim Byoungho cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đến thời điểm đó đã đạt trên 15%. Để thúc đẩy tín dụng, đại diện HDBank đề nghị NHNN xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực cung ứng vốn tốt trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành, tiếp tục rà soát tình hình trong quý 4.
Cũng tại sự kiện trên, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 15,97% (dư nợ tăng thêm là gần 44.000 tỷ đồng), con số công bố cao nhất toàn hệ thống tới thời điểm đó.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý 3/2024, Lãnh đạo Nam A Bank cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến cuối tháng 8 đã lên tới 14%, tương ứng đã sử dụng 85% room được NHNN giao và kỳ vọng sẽ được nới thêm.
Số liệu được công bố trong báo cáo tài chính mới đây cũng cho thấy nhiều ngân hàng đã đạt được mức tăng trưởng cho vay cao hơn nhiều bình quân chung cả ngành trong 9 tháng đầu năm như: Techcombank (20,8%), LPBank (16,1%), HDBank (16,1%), Nam A Bank (15,8%), MB (14,9%), TPBank (14,4%), MSB (14,4%), ACB (13,8%), VPBank (12,2%),… Do vậy, các ngân hàng này nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm được nới room tín dụng.
Trước đó, từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%. Cách cấp hạn mức tín dụng này có sự khác biệt với các năm trước – vốn được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room.
Theo lãnh đạo NHNN, sự thay đổi này mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
“Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Họp báo đầu năm 2024.
Đến ngày 28/8, NHNN thông báo điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, NHNN đã có 2 lần nới room tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm nhiều khả năng sẽ bị giảm hạn mức.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ hồi giữa năm nay, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng nào không cho vay được thì sẽ bị điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.
“Sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại”, ông Tú nói tại hội nghị.
Theo ông Tú, NHNN “sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới”.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay thì hệ thống ngân hàng sẽ phải “bơm” ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng trong năm 2024. Tính đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong 6 tuần cuối năm 2024 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://cafef.vn/nhung-ngan-hang-nao-vua-duoc-ngan-hang-nha-nuoc-noi-room-tin-dung-188241129110856585.chn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thị trường bất động sản nhúc nhích trở lại, chủ nhà “lật kèo”: “Đền cọc chờ tăng giá nhỡ lại bán hớ”
- Dữ liệu lạm phát định hình chính sách lãi suất tương lai sắp được công bố ngay trước quyết định của Fed: Manh mối cho số đợt cắt giảm trong năm 2024
- Doanh nghiệp “nín thở” chờ sửa đổi quy định dự án phải có đất ở trong Luật Đất đai (sửa đổi)
- Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm
- Xử lý đất đai cho doanh nghiệp: Gỡ nhưng vẫn vướng