Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 này, TPHCM sẽ trình một loạt dự án có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD, mang tính chiến lược trong phát triển hạ tầng và kinh tế của thành phố.
Đây đều là những dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm, không chỉ thể hiện tầm nhìn dài hạn của TPHCM mà còn đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp.
Việc Quốc hội xem xét và thông qua các chủ trương đầu tư này sẽ là cú hích mạnh mẽ, giúp thành phố từng bước hoàn thiện khung hạ tầng, mở ra những cơ hội khơi thông sức bật phát triển của vị trí đầu tàu.
Tuyến tránh “khổng lồ”
Một trong những dự án được TPHCM ưu tiên, nếu thiếu kinh phí sẽ sẵn sàng cắt giảm một số dự án chưa thật sự cần thiết để thực hiện là Vành đai 4 TPHCM, với tổng mức đầu tư khoảng 136.000 tỷ đồng (khoảng 5,4 tỷ USD).
Vành đai 4 TPHCM có năng lực hạ tầng cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuyến đường khi hình thành sẽ đóng vai trò kết nối các đô thị liên vùng. Đây cũng sẽ là trục “đường tránh” khổng lồ để các tỉnh trong vùng trọng điểm có thể kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành TPHCM.
Đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Bộ đã thống nhất với các địa phương về quy mô, phân kỳ đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật và các hạng mục liên quan.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết các cơ quan sẽ đề xuất chính sách đặc thù đưa vào nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, như: Sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, hoặc thực hiện nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương; tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch; chỉ định thầu đối với một số gói thầu về tư vấn kỹ thuật, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, tái định cư…
Qua đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu TPHCM khẩn trương phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM theo hình thức đối tác công tư (PPP), trình hồ sơ cho Hội đồng Thẩm định nhà nước trong tháng 11. Các địa phương tiếp tục chuẩn bị các bước đầu tư càng sớm càng tốt, trong đó có phương án cân đối ngân sách địa phương dành cho dự án.
Dự kiến, tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 4 TPHCM hơn 206km, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu 18,23km; Bình Dương 47,95km; TPHCM 16,7km; Long An 78,3km.
Giai đoạn 1 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (74,5m); 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh; 21 nút giao thông liên thông; xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương.
Mạng lưới “xương sống” đường sắt đô thị
Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân như TPHCM, hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh được xem là giải pháp bền vững giải quyết áp lực giao thông của TPHCM suốt hàng thập kỷ qua.
Để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch đến năm 2035, TPHCM cần khoảng 835.000 tỷ đồng (34 tỷ USD) cho 183km metro. Sau đó, TP mở rộng thêm 168km vào năm 2045. Đến năm 2060, hệ thống metro của thành phố sẽ hoàn thiện với tổng chiều dài hơn 510km.
Như vậy, giai đoạn từ năm 2036 đến năm 2045, TPHCM cần 627.620 tỷ đồng (26,1 tỷ USD) và từ năm 2046 đến năm 2060 là 973.714 tỷ đồng (40,6 tỷ USD).
Trong buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì ngày 5/10 vừa qua, TPHCM đã kiến nghị Quốc hội phân bổ khoảng 25,6% vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thành phố trong giai đoạn đến năm 2035, phần còn lại sẽ thực hiện bằng ngân sách địa phương. Thành phố đồng thời đề xuất Quốc hội thông qua khung chính sách để triển khai các dự án metro, không cần thông qua riêng lẻ từng dự án, nhằm đảm bảo tính linh hoạt.
TPHCM cũng đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư và UBND TPHCM quyết định đầu tư các dự án nếu vốn huy động hoàn toàn từ ngân sách địa phương, giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trung tâm tài chính quốc tế
TPHCM đã chủ động xây dựng Đề án về Trung tâm Tài chính từ năm 2019 và trình Bộ Kế hoạch – Đầu tư vào tháng 11/2022. Sau khi có Ban chỉ đạo quốc gia, TPHCM vẫn tiếp tục chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế – chính sách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương.
Mục tiêu của việc xây Trung tâm tài chính là nhằm hình thành thị trường tài chính, huy động nguồn lực cho sự phát triển của TPHCM, Đà Nẵng nói riêng và đất nước nói chung, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong nửa đầu năm nay, UBND TP tiếp tục hoàn thiện Đề án dựa trên ý kiến từ Ban chỉ đạo và Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Đồng thời, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài và các đơn vị tư vấn quốc tế để hoàn thiện thêm. Trong đó, TPHCM kiến nghị Quốc hội thông qua 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột nhằm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính Quốc tế.
Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại TPHCM gồm hai khu vực chính: Khu phố tài chính hiện hữu tại quận 1 và khu phố tài chính mới tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Hai khu vực này sẽ bổ trợ cho nhau, với các dịch vụ tài chính truyền thống tại quận 1 và các dịch vụ tài chính sáng tạo tại Thủ Thiêm.
Trung tâm tài chính quốc tế này sẽ tập trung vào 3 cấu phần chính là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Trung tâm tài chính được phác thảo sẽ có khu giải trí, casino nhưng không đặt trọng tâm mà chỉ coi đây là yếu tố tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trung tâm tài chính ở TPHCM đang hoạt động cũng có yếu tố quốc tế nhưng theo chuẩn, cần phải học hỏi nhiều hơn, xác lập mô hình và sẽ bắt đầu với những thế mạnh của thành phố. Đề án sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 10 tới.
Ngoài ra, đề án đáng chú ý và được kỳ vọng khác cũng được TPHCM trình Chính phủ là siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hiện các bộ, ngành cho ý kiến về hồ sơ dự án siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên của MSC, một hãng tàu biển lớn hàng đầu thế giới) đề xuất. Những tác động, hiệu quả về kinh tế, môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng biển trong khu vực đang được làm rõ để sớm trình Thủ tướng quyết định.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc xây dựng, phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Cảng nằm cạnh các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế và thuận lợi cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.
Nguồn: dantri.com.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam chủ chung cư mini xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong
- Lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới
- Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp khát vốn?
- Thầy giáo dạy tiếng Anh lương 80 triệu đồng/tháng đánh mất tất cả vì ma túy
- Quỹ đầu tư 620 tỷ USD của Ả-rập Xê út cam kết dành nguồn lực cho các dự án lớn của Việt Nam