Ở phía Nam, hơn 11.000 trường hợp đã mắc tay chân miệng và có ít nhất 7 trẻ tử vong. Nhiều bệnh nhi được đưa đến viện khi đã trụy tim mạch hoặc biến chứng lên hệ thần kinh.
Theo Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng ngừa. Cách phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất là đảm bảo nguyên tắc 3 sạch cho trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ. Nguyên tắc này bao gồm: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và đồ chơi sạch.
Theo đó, thứ nhất, người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Đặc biệt luôn rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Dùng tay hoặc khăn giấy che miệng và mũi khi hắt hơi, ho. Sau đó, vứt giấy đã sử dụng vào thùng rác và rửa tay cẩn thận.
Thứ hai, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Các gia đình sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc hay mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thứ ba, hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà. Lau rửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thứ tư, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thứ năm, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình cần chủ động giám sát sức khỏe của bé để kịp thời phát hiện ngay có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Thường xuyên tập huấn cho thầy cô giáo, người chăm trẻ về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc tay chân miệng và các biện pháp phòng chống.
Thứ sáu, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát. Người chăm sóc trẻ bệnh cần nắm vững các dấu hiệu chuyển nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn: https://vietnamnet.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- TP.Tân Uyên: Dấu ấn qua nửa nhiệm kỳ
- Thần tài rất lạc quan về khả năng kiếm tiền của 4 con giáp này trong tháng 5, càng chăm chỉ càng thắng đậm
- Tân Uyên tập trung hoàn thiện quy hoạch để lên thành phố
- Lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước tổ chức diễn đàn tháo gỡ “nút thắt” trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế
- Sắp có quy định về Internet vệ tinh trong Luật viễn thông