Ngân hàng nào là “ứng cử viên sáng giá nhất” được nới room ngoại lên 49%?

144 lượt xem - Posted on

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Điểm đáng chú ý nhất tại dự thảo này là việc điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng (TCTD) nhận chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, Dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 như sau: Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.

NHNN cũng cho biết, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến và đã được cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển giao 1 tổ chức tín dụng yếu kém. Trong khi đó, ban lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CBBank, OCeanBank, DongABank và GPBank.

Chiếu theo tờ trình của NHNN, Vietcombank sẽ không đủ điều kiện được nới room ngoại lên 49% do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn, do vậy cơ hội được nới room thuộc về 3 ngân hàng là MB, HDBank và VPBank.

Với MB, cổ đông ngân hàng đã phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ, với mức không quá 5.000 tỷ đồng vào TCTD được chuyển giao bắt buộc theo lộ trình góp vốn phù hợp.

Tại HDBank, tài liệu trình cổ đông cho biết ngân hàng này sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. HDBank cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã đề xuất phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 900 triệu USD (kỳ hạn 3 đến 10 năm) trong giai đoạn 2022 – 2024. Trái phiếu dự kiến sẽ được phát hành cho các nhà đầu tư quốc tế và niêm yết trên sàn SGX của Singapore. Đây là loại hình trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank và có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

Theo giới phân tích, không loại trừ khả năng một phần số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc góp vốn vào ngân hàng mục tiêu và/hoặc để chuẩn bị cho việc hạn mức tăng tưởng tín dụng cao hơn trong thời gian tới khi tham gia vào chương trình tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, HDBank đang cho thấy định hướng khá rõ ràng trong việc tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng của NHNN.

VPBank tuy chưa công bố kế hoạch cụ thể và chưa xin ý kiến cổ đông nhưng Chủ tịch ngân hàng Ngô Chí Dũng cũng tiết lộ đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. “Việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng bắt buộc nếu có cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng còn quá sớm để khẳng định điều đó”, ông Dũng nói hồi năm 2022.

Ở một diễn biến khác, mới đây, VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Hiện ptỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank đã lên tới hơn 17,6%. Trong trường hợp tỷ lệ này không thay đổi, room ngoại của VPBank sẽ chạm trần 30% sau khi phát hành hơn 1,18 tỷ cổ phiếu cho SMBC.

Đến hiện tại, danh tính 2 ngân hàng đề xuất nới room ngoại lên 49% chưa được công bố nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết: 2 ngân hàng này có tổng tài sản không vượt quá 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống NHTMCP Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) của toàn hệ thống NHTMCP Việt Nam tại thời điểm 30/6/2022).

Trong khi đó, tổng tài sản hợp nhất của VPBank và MB tính đến cuối tháng 6/2022 đã lên tới hơn 1,266 triệu tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng tài sản hệ thống. Như vậy, nhiều khả năng chỉ có MB hoặc VPBank dự kiến được nới room ngoại lên 49%, cùng với ứng cử viên sáng giá nhất là HDBank.

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Ngân hàng nào là “ứng cử viên sáng giá nhất” được nới room ngoại lên 49%?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *