Tập đoàn FPT, Masan hay Đường Quảng Ngãi có lượng tiền gửi lớn, thu lãi cả tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, Masan đang phải chịu phần chi phí lãi vay cao hơn cả lãi tiền gửi.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của nhiều công ty đến thời điểm này hé lộ một chỉ số khá thú vị: tiền gửi ngân hàng. Một số doanh nghiệp mang hàng nghìn tỷ đồng đi gửi ngân hàng và hưởng lãi tiền gửi rất lớn.
Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) có 27.373 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tại ngày 30/9, chiếm 41% tổng tài sản. Lãi tiền gửi ghi nhận là gần 865 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp thu về hơn 3 tỷ đồng lãi từ việc gửi tiền vào ngân hàng.
Lãi tiền gửi cũng cao hơn nhiều lần so với chi phí doanh nghiệp đi vay. Trong 9 tháng, FPT phải trả chi phí lãi vay gần 417 tỷ đồng cho khoản nợ vay tài chính 14.646 tỷ đồng, tại ngày 30/9. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,4 lần.
Cùng với số tiền gửi khổng lồ, FPT cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng tốt, với doanh thu thuần tăng 19%, đạt 45.241 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 21%, đạt 6.927 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) cũng có 7.064 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 15% so với đầu năm. Số này chiếm 54% tổng tài sản của công ty.
Từ đó, công ty ghi nhận lãi tiền gửi gần 175 tỷ đồng trong 9 tháng, tương đương lãi gần 650 triệu đồng mỗi ngày nhờ mang tiền đi gửi tại ngân hàng.
Lãi tiền gửi tại doanh nghiệp cao hơn chi phí lãi vay. Trong 9 tháng, công ty chịu chi phí lãi vay gần 76 tỷ đồng cho khoản nợ tài chính 2.307 tỷ đồng.
Trong 9 tháng, Đường Quảng Ngãi cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng, với doanh thu tăng 4% đạt hơn 8.069 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 14% đạt gần 1.755 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cũng thu lãi tiền gửi, cho vay và hoạt động đầu tư hơn 1.514 tỷ đồng trong 9 tháng. Mỗi ngày, doanh nghiệp có lãi hơn 5,6 tỷ đồng. Theo báo cáo, Masan có 12.390 tỷ đồng tiền gửi, chiếm 8% tổng tài sản.
Tuy nhiên, nợ vay lớn khiến Masan chịu phần chi phí lãi vay cao hơn cả lãi tiền gửi. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có 65.739 tỷ đồng nợ vay tài chính, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay, trái phiếu phát hành và hoạt động đầu tư hơn 4.878 tỷ đồng, tương đương 18 tỷ đồng/ngày.
Tại sao doanh nghiệp không dùng luôn tiền gửi để phục vụ hoạt động kinh doanh mà lại phải đi vay ngân hàng? Nhiều lý do được giới chuyên gia nhắc đến, như doanh nghiệp đi vay sẽ được lợi trong việc trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản tiền gửi sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được dòng tiền khi cần thiết.
Nguồn: dantri.com.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Sài Gòn Land Group đưa bất động sản giá trị thật đến với nhu cầu thật
- Chuyên gia bật mí 3 yếu tố giúp đầu tư BĐS công nghiệp thành công
- Thủ tướng yêu cầu họp khẩn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN
- Những dự án ‘khủng’ sắp thực hiện tại Bình Dương
- Lộ diện những địa phương vượt mốc 1 tỷ USD về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm