Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường chứng kiến nhiều chủ bất động sản phải liên doanh, M&A (mua bán, sáp nhập) dự án diễn ra liên tiếp.
Mới đây nhất, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) thông báo đã được uỷ thác cố vấn độc quyền cho bên bán hai khách sạn tại TP.HCM. Giao dịch này đánh dấu thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. Đó là khách sạn Ibis Saigon South và Capri by Fraser (TP.HCM).
Hay dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC (nằm ở trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội) vừa được Công ty THT chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cụ thể, dự án CMC có quy mô 1,13 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.789 tỉ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỉ đồng, còn lại là vốn huy động.
Trước đó, Tập đoàn Keppel công bố sẽ cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam (KVF) chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần 2 dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP Thủ Đức (TP.HCM) của Khang Điền.
Theo kế hoạch, Keppel và Khang Điền sẽ cùng phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư trên tổng diện tích khoảng 11,8 ha (tổng chi phí phát triển hai dự án này bao gồm chi phí đất đai dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng).
Hồi tháng 3, thông tin Tập đoàn CapitaLand đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Vinhomes (mã: VHM) cũng gây nhiều chú ý. Nội dung đàm phán của CapitaLand và Vinhomes là về một số dự án của Vinhomes.
Cụ thể, CapitaLand đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes – một dự án phát triển theo phong cách thành phố nghỉ dưỡng rộng 294 ha gần thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hoặc một dự án khác ở phía bắc thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – cho biết, trong hơn một năm nay, thị trường M&A ghi nhận sự tăng nhiệt dần. Một số doanh nghiệp đã mạnh tay chi tiền M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh. Nhiều nhóm nhà đầu tư sẵn dòng tiền “lớn” cũng đang tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng.
Trong đó, phải kể đến dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện, để tránh rủi ro. Đây là cơ hội để chủ đầu tư đang nắm giữ nhiều dự án “sạch”, có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo giá trị lợi ích cho cả hai bên. Là hướng đi giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể. Hay mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác.
Để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành “cú hích” cho thị trường, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- “Thị trường bất động sản không thể khó khăn hơn được nữa”
- VN-Index giảm mạnh 55 điểm, cơ hội cho nhà đầu tư “ôm tiền” đứng ngoài quan sát bấy lâu đã đến?
- Bộ trưởng Tài chính: Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước mất công cụ điều tiết
- Thị trường chứng khoán 2024: Hy vọng sẽ được “bước đi trên cỏ xanh”
- Ngân hàng Nhà nước nêu thông tin quan trọng với thị trường vàng