Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có khoảng 20 ngân hàng thương mại tư nhân thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, với mức tăng lên đến 0,5 điểm %.
Sau đợt tăng lãi suất huy động hồi tháng 4 của một số ngân hàng thương mại, từ đầu tháng 5 đến nay, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các nhà băng càng diễn ra dồn dập hơn.
Theo thống kê từ đầu tháng 5 đến nay, đã có gần 20 ngân hàng thương mại tư nhân điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó có một loạt ngân hàng thương mại tư nhân quy mô lớn và vừa như HDBank, ACB, VIB, VPBank…
Lãi suất tiết kiệm tăng trên diện rộng
Cụ thể, HDBank vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ 20/5 với mức tăng 0,3 điểm %, áp dụng với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân kỳ hạn 1-18 tháng.
Theo đó, ở kênh tiền gửi trực tuyến (online), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng được HDBank tăng lên mức 3,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 4,9%/năm; kỳ hạn 7-11 tháng tăng lên 4,7%/năm và kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,3%/năm.
Tại kỳ hạn 13 tháng, ngân hàng này chấp nhận chi trả mức lãi suất 5,5%/năm; kỳ hạn 15 tháng tăng lên 6,1%/năm và kỳ hạn 18 tháng tăng lên 6,2%/năm.
Với các kỳ hạn 24-36 tháng, HDBank giữ nguyên lãi suất ở mức 5,5%/năm; trong khi các khoản tiền gửi không kỳ hạn cũng được duy trì mức lãi suất 0,5%/năm.
Trên kênh quầy, khách hàng cá nhân gửi tiền tại HDBank sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi gửi online 0,2 điểm %.
Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 2 HDBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong 2 tháng qua. Tháng 4 trước đó, nhà băng này cũng có 1 đợt tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2 điểm %. Như vậy, sau 2 tháng, HDBank đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,5 điểm %.
Với đợt tăng lãi suất mới nhất, HDBank đang là ngân hàng có lãi tiền gửi tiết kiệm cao nhất thị trường áp dụng với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân (không yêu cầu giá trị gửi tối thiểu).
Cùng với HDBank, VIB cũng vừa có lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tháng. Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này đã tăng 0,3 điểm %, lên 2,8%/năm. Trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng được nâng lên mức 3,1%/năm (+0,1%).
Với các kỳ hạn dài hơn, VIB hiện giữ nguyên lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 6-11 tháng ở 4,1%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng ở 4,9%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng ở 5,1%/năm, cũng là mức lãi tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này.
Trước đó, VIB từng có 2 lần tăng lãi suất tiết kiệm vào các ngày 4/5 và 8/5. Trong đó, đợt tăng lãi suất đầu tiên (4/5), ngân hàng này tăng 0,1 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2-5 tháng và 15-18 tháng. Sau đó nhà băng này tăng tiếp 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn 2-11 tháng trong đợt điều chỉnh 8/5.
Ngoài 2 nhà băng kể trên, một loạt ngân hàng như CBBank, SeABank, ABBank đều đã có ít nhất 2 lần tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng 5 với mức tăng phổ biến 0,1-0,3 điểm %.
Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng quốc doanh vẫn thấp
Tại MB, nhà băng này cũng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,4 điểm % từ ngày 21/5. Tuy nhiên, đến ngày 22/5, ngân hàng lại giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng đi 0,1 điểm %, hiện niêm yết ở mức 4,8%/năm, tức cao hơn 0,2 điểm % so với đầu tháng 5.
Sau đợt điều chỉnh lãi suất kể trên, khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm qua hình thức online tại MB hiện được áp dụng mức lãi suất 2,6-3,1%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng, áp dụng với số tiền gửi dưới 500 triệu đồng.
Lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng nhà băng này đưa ra ở mức 3,9%/năm; kỳ hạn 9-10 tháng là 4%/năm; kỳ hạn 11 tháng là 4,1%/năm và kỳ hạn 13-18 tháng là 4,7%/năm.
Nếu tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất khách hàng nhận được sẽ tăng thêm lần lượt 0,1 điểm % và 0,15 điểm %.
Như vậy, lãi suất huy động cao nhất tại MB hiện nay là 5,85%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi 1 tỷ đồng trở lên trong kỳ hạn 24-60 tháng.
Trái ngược với nhóm ngân hàng kể trên, trong tháng 5, cũng có ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, VietBank đã giảm 0,1 điểm % lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Hiện khách hàng gửi tiền tại nhà băng này được nhận lãi suất dao động trong khoảng 3-5,7%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi online và tại quầy.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank), lãi suất huy động tại các nhà băng này đã không thay đổi từ tháng 4 đến nay và vẫn duy trì ở mức thấp nhất thị trường.
Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tại nhóm nhà băng này hiện chỉ vào khoảng 1,6-1,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng ở mức 1,9-2%/năm; kỳ hạn 6 tháng ở 2,9-3%/năm; kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,6-4,7%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng hưởng lãi suất 4,7-4,8%/năm.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đang sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng đã giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Các chuyên gia cho rằng dòng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động để đảm bảo cân đối nguồn vốn.
Với diễn biến này, lãi suất huy động được dự báo chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm nay.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Virus gây COVID-19 làm tổn thương tinh hoàn, giảm chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đời sống tình dục
- Hướng dẫn 2 cách tạo chữ ký trong Outlook đơn giản nhất
- “Bắt mạch” thị trường bất động sản nửa cuối năm 2023
- Thị trường bất động sản chuẩn bị đón “sóng hồi”?
- Lãi suất liên ngân hàng ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào