Đặc biệt, phân khúc nhà ở bình dân, trung cấp ngày càng vắng bóng dự án mới, trong khi nhu cầu không ngừng gia tăng. Điều này không chỉ khiến giá nhà bị đẩy lên cao mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng… Yêu cầu kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản đang đặt ra cấp thiết, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, giúp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Thiếu hụt nhà ở bình dân, vừa túi tiền

Chia sẻ về hành trình tìm mua nhà, anh Lê Văn Tường (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết, với thu nhập không quá cao, cộng với số tiền tích lũy hiện có, anh mong muốn tìm được căn chung cư 2 phòng ngủ, giá bán khoảng 2 tỷ đồng trong phạm vi cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin từ chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS, chuyên trang về mua bán, anh Lê Văn Tường chia sẻ, gần như không có dự án chung cư mới ở khu vực anh mong muốn có giá bán dưới 35 triệu đồng/m2.

Kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản
 Dự án nhà ở xã hội Thanh Lâm – Đại Thịnh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) được đưa vào sử dụng. Ảnh: BẢO LINH

Với diễn biến hiện tại của thị trường BĐS, có thể thấy, giá nhà đang tiếp tục nới rộng khoảng cách so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương trọng điểm của thị trường BĐS, nơi có nhu cầu nhà ở cao nhất cả nước.

Tại các thị trường này đang chứng kiến sự lệch pha cung-cầu ngày càng lớn, trong đó, với nguồn cung BĐS mới ở Hà Nội thì phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (hơn 90%). Đối với TP Hồ Chí Minh, trong quý III-2023, toàn bộ sản phẩm BĐS gia nhập thị trường đều thuộc phân khúc hạng sang, cao cấp. Do các sản phẩm được chào bán đều ở phân khúc cao cấp nên giá bán cũng ở mức cao.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, giá sơ cấp (giá do chủ đầu tư bán ra) trung bình của các căn hộ chung cư mở bán mới trong quý III-2023 tại Hà Nội tăng gần 7% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại), giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2. Tại tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp căn hộ trong quý III-2023 tăng so với quý II-2023. Tại TP Hồ Chí Minh, giá bán sơ cấp căn hộ trong quý III-2023 đạt hơn 60 triệu đồng/m2; giá trên thị trường thứ cấp đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý II-2023.

Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung BĐS cả nước có sự tăng trưởng rõ rệt, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III-2023 tăng 300% so với quý II-2023, mặc dù vậy số lượng thực tế chỉ ở mức hơn 7.600 căn hộ từ 21 dự án. Số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong quý III-2023 tương đương quý II-2023 với 15 dự án. Các dự án này tập trung ở các địa phương như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nam… Trong khi ở TP Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án, Hà Nội không có dự án nào được cấp phép mới.

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, hiện nay có hơn 1.200 dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, khoảng 500 dự án đang được tháo gỡ, còn lại gần 800 dự án đang xếp hàng chờ đợi. Cơ cấu sản phẩm chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại thuộc các phân khúc khác…

Kịp thời bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản
 Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội) được đưa vào sử dụng. Ảnh: TUẤN ANH

Tạo cân bằng cung-cầu từ phát triển nhà ở xã hội

Một trong những tín hiệu tích cực của thị trường BĐS thời gian gần đây là các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo Bộ Xây dựng, vừa qua, đã có 110 dự án nhà ở xã hội với quy mô 100.213 căn được khởi công, bên cạnh đó, 46 dự án với quy mô 20.210 căn đã hoàn thành.

Ngoài ra, 309 dự án với quy mô 292.422 căn cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mới. Trong thời gian tới cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp chính quyền, sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản để thúc đẩy hoàn thành 110 dự án đang triển khai xây dựng và khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với 309 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hướng đến mục tiêu của Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, các địa phương và chủ đầu tư dự án đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, đã có 20 địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Tây Ninh, Bình Thuận… công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng này với nhu cầu vay vốn hơn 25.000 tỷ đồng. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Đà Nẵng bán gần hết ngay khi tung ra thị trường. Tuy nhiên, có nơi như ở Bắc Ninh mới chỉ bán được 1/3 lượng nhà ở xã hội dù đã mở bán nhiều lần…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…, từ đó tạo ra sản phẩm nhà ở để người dân có điều kiện vay tín dụng ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm cả chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không quá 3 tỷ đồng/căn và ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.

Với cương vị là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, Bộ Xây dựng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững; tích cực triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030… Bên cạnh đó, nếu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (dự kiến tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV), nhóm chính sách về nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay, góp phần tạo thuận lợi cho các dự án.

MẠNH HƯNG – qdnd.vn