Hôm nay (26-12), UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối Bình Dương và Tây Ninh với tổng mức đầu tư hơn 410 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên kết Bình Dương và Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương cũng như cả vùng.
Công trình đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội hai địa phương phát triển. Trong ảnh: Toàn cảnh công trình nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG AN
Vì lợi ích chung
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh và giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, năm 2018, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh đã có buổi làm việc thống nhất việc đầu tư, xây dựng tuyến đường và cầu kết nối giữa hai tỉnh. Trên cơ sở thống nhất đầu tư tuyến đường kết nối của hai tỉnh, ngày 23-7-2018, UBND tỉnh có Văn bản số 3363/ UBND-KTTH giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư và tổ chức lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Ngày 30-11- 2018, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua tại Nghị quyết 26/ NQ-HĐND.
Theo đó, công trình đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có chiều dài 800,39m, phần đường dẫn phía Bình Dương dài 377,7m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m. Công trình có điểm đầu giao với đường ĐT744, thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Điểm cuối công trình đấu nối vào dự án đường Đất Sét – Bến Củi do phía Tây Ninh làm chủ đầu tư tại lý trình Km 0+800,38, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Công trình đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương. Đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện phát triển du lịch”.
Vượt khó, hoàn thành đúng kế hoạch
Công trình đường và cầu kết nối Bình Dương và Tây Ninh có phần cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 3 nhịp chính có kết cấu dầm hộp đúc hẩng cân bằng và 4 nhịp dẫn bằng dầm Super T. Mặt cắt ngang 25,5m bố trí cho 6 làn xe, dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn bánh và lan can. Phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/giờ, riêng đoạn đường dân sinh dưới cầu được thiết kế với vận tốc 20km/ giờ. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng. Chiều rộng nền đường 28,5m bố trí cho 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường. Riêng đoạn bố trí đường cong quay đầu xe chui dưới cầu nền đường rộng 37m. Tuyến đường được bố trí hệ thống chiếu sáng, sơn đường, biển báo.
Những hạng mục cuối cùng của công trình đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào sử dụng
Đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình đã khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nỗ lực triển khai thực hiện để bảo đảm tiến độ, hoàn thành theo kế hoạch. Còn nhớ, vào khoảng cuối tháng 9-2021, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khi huyện Dầu Tiếng trở lại “vùng xanh”, trên công trường này, tiếng máy xúc, khoan, đổ bê tông… như một “dàn nhạc hợp ca” thể hiện tinh thần hăng say làm việc của những người thợ cầu đường. Để bảo đảm tiến độ thi công, không để “đứt gãy” hoạt động xây dựng công trình, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, đơn vị thi công đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, rồi “5 tại chỗ”.
Trong suốt quá trình triển khai thi công, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đẩy nhanh tiến độ công trình. Tại nhiều cuộc họp về tiến độ các công trình đầu tư công của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã nghe đơn vị chủ đầu tư công trình báo cáo tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc, tỉnh có giải pháp kịp thời tháo gỡ. Gần đây nhất, vào tháng 8-2022, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến khảo sát tiến độ công trình và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành trong năm 2022.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực của đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, đặc biệt là được sự đồng thuận của người dân, đến nay công trình đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả, tạo kết nối vùng, thuận lợi cho người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội hai tỉnh Bình Dương – Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
– Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: ‘Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện phát triển du lịch tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh’’.
– Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: “Dự án này được kỳ vọng mở ra sự kết nối giao thông thông suốt, tạo trục kết nối liên vùng trong khu vực, mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam và hệ thống cảng biển quốc tế phía đông TP.Hồ Chí Minh”.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chứng khoán phiên 23/12: Thị trường hồi phục không thành công
- “Lạm phát có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9%”, chuyên gia giải mã “nút thắt”
- Triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất tích cực
- Trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước mới từ ngày 1/7
- Thị trường địa ốc phía Nam đang ở “chốt chặn cuối cùng” để bật dậy trong năm 2024?