Bình Dương tiếp tục đón một doanh nghiệp lớn trong ngành thời trang là Tập đoàn Pandora sẽ xây dựng nhà máy trị giá hơn 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP 3.
Ngày 3-5, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết vào ngày 16-5 tới đây, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora sẽ tổ chức lễ khởi công nhà máy Pandora Production Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP 3 ở phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên (Bình Dương).
Pandora là thương hiệu trang sức Đan Mạch nổi tiếng nhất thế giới. Khi “đại bàng” này đến Việt Nam, Pandora sẽ rót tổng số vốn đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy hơn 150 triệu USD (khoảng 3.750 tỉ đồng). Dự án mới này sẽ là cơ sở sản xuất thứ ba, đồng thời là nhà máy đầu tiên của Pandora được xây dựng ngoài Thái Lan.
Khi đi vào vận hành, dự án sẽ giúp tạo ra việc làm cho hơn 7.000 lao động thợ bạc và sản xuất 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Đan Mạch cho hay nhà máy Pandora Production Việt Nam sẽ đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi xanh tại Việt Nam khi được vận hành theo các tiêu chuẩn phát triển bền vững cao nhất xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất của tập đoàn.
Đáng chú ý, Pandora cho hay nhà máy này sẽ dùng 100% nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Khu công nghiệp VSIP 3 cũng đang có một “ông lớn” FDI khác của Đan Mạch là Tập đoàn LEGO đang đầu tư dự án nhà máy LEGO hơn 1,3 tỉ USD và đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại Hà Nội cũng có nhà máy của Julie Sandlau, một nhãn hàng trang sức nổi tiếng của Đan Mạch. Nhà máy này được thành lập năm 2006 và Julie Sandlau hiện là một trong những công ty sản xuất đồ trang sức bền vững hàng đầu thế giới quan tâm mạnh mẽ vào môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Các doanh nghiệp Đan Mạch hướng đến phát triển xanh
Đại sứ quán Đan Mạch cho hay hiện có 135 công ty Đan Mạch đã thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Hiện Đan Mạch cũng là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn bậc nhất tại Việt Nam. Bên cạnh dự án đầu tư của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon, Pandora cũng sẽ xây dựng nhà máy chế tác sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, nhiều doanh nghiệp khác của Đan Mạch như Scancom, Vestas, Carlsberg, Julie Sandlau, Copenhagen Offshore Partners (COP), Copenhagen Infrastructure Partners (CIP)… cũng đang đầu tư tại Việt Nam và tạo ra hàng ngàn việc làm.
Đại sứ quán Đan Mạch cho hay kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục là một quốc gia đối tác quan trọng của Chính phủ Đan Mạch trong hợp tác về các lĩnh vực như tăng trưởng xanh, năng lượng, nước, sức khỏe, giáo dục, an toàn thực phẩm, văn hóa và thương mại.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Lãi suất có thể tiếp tục hạ nhiệt
- Tranh cãi quanh đề xuất cá nhân chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà một năm
- Chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu nâng hạng, cổ phiếu nào sẽ đón dòng tiền lớn?
- Hai chị em tổ chức mang thai hộ với giá lên tới 1,5 tỷ đồng
- Vùng ven Hà Nội có giá bất động sản lên tới gần 360 triệu đồng/m2 trước thềm lên phố