Hạ tầng tạo động lực mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam

111 lượt xem - Posted on
Với việc một loạt dự án hạ tầng giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn thành và chuẩn bị khởi công, diện mạo các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần thay đổi, tạo động lực tăng trưởng mới.

Mở cao tốc, mở cơ hội đầu tư

Ngày 29/4, nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chính thức thông xe. Đây là tuyến cao tốc quan trọng bậc nhất, không chỉ “kéo” các tỉnh, thành phố phía Nam gần nhau hơn, mà còn giúp kinh tế các địa phương “cất cánh”.

Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (dài 99 km) kết nối tỉnh Đồng Nai với Bình Thuận khi đi vào hoạt động sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ trung tâm kinh tế, tài chính TP.HCM đến các điểm du lịch tại tỉnh Bình Thuận bằng đường bộ.

Sự kiện tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe đánh dấu sự mở đầu cho hàng loạt dự án hạ tầng phía Nam dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có cơ chế khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hình thức đối tác công – tư gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện đầu tư.

Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Theo kế hoạch đã được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) thông qua, ngày 19/5, tuyến cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo (dài 100,8 km) đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng sẽ thông xe, đưa vào khai thác. Đến cuối tháng 5/2023, đoạn cao tốc Nha Trang – Cam Lâm sẽ hoàn thành, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà thầu thi công) đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho phép tổ chức lễ hoàn thành Dự án vào cuối tháng 5/2023.

Sau khi đưa vào khai thác các đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Cam Lâm – Nha Trang, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các điểm du lịch ở Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại…, tạo động lực tăng trưởng mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam.

Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, dự án thay đổi diện mạo Thành phố và được người dân mong chờ nhiều năm qua là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cũng sắp “về đích”.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tính đến hết quý I/2023, tiến độ thi công toàn tuyến metro số 1 đã đạt 95%, các nhà thầu Nhật Bản đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các phần việc còn lại, như lắp đặt thiết bị, hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và cầu bộ hành trên toàn tuyến.

Cũng trong năm 2023, TP.HCM sẽ hoàn thiện 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hoàn thành mở rộng đường Lương Định Của; mở rộng Tỉnh lộ 8; hoàn thành nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ. Với những dự án hoàn thành năm 2023, diện mạo TP.HCM dần thay đổi, tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 2 dự án quan trọng là cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm nay.

Hạ tầng giao thông “tăng tốc” đi trước

Có lẽ, tháng 6/2023 là cột mốc ghi lại thời điểm các điểm nghẽn giao thông được khơi thông mạnh mẽ nhất, khi các dự án hạ tầng đồng loạt được khởi công. Đầu tiên là đường Vành đai 3, TP.HCM (dài 76,3 km, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng). Dự án này đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, nên sẽ tạo sự kết nối thông suốt giữa các địa phương.

Một tuyến cao tốc quan trọng khác của Vùng là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, với chiều dài 53,7 km, đi qua Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng sẽ khởi công trong tháng 6/2023, với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, dài 188 km, cũng đồng loạt khởi công trong tháng 6 tới.

Một dự án quan trọng bậc nhất tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này đã khởi công những hạng mục đầu tiên vào năm 2021. Tuy nhiên, hạng mục quan trọng nhất là nhà ga lại chưa thể khởi công do phải đấu thầu lại.

Song song với việc xây dựng các tuyến đường cao tốc và vành đai, các tỉnh phía Nam cũng “rót” vốn để đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ nhằm kết nối đồng bộ với các tỉnh lân cận. Chẳng hạn, TP.HCM đầu tư mở rộng Quốc lộ 50 nối với Long An; Bình Dương đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 nối với TP.HCM, Bình Phước…

Cột mốc năm 2025

Sau khi đồng loạt khởi công vào giữa năm 2023, thì đến năm 2025, hàng loạt dự án trọng điểm tại phía Nam sẽ hoàn thành.

Đối với đường Vành đai 3, khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo thành một vòng tròn khép kín kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận. Lợi ích mang lại từ đường Vành đai 3 là rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Không những vậy, Dự án còn giúp phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics… cho các tỉnh, thành phố trong khu vực…

Cũng trong năm 2025, một loạt dự án trọng điểm khác như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành, cầu Phước An, cao tốc Bến Lức – Long Thành và một số tuyến quốc lộ hoàn thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến năm 2025, khi các dự án hạ tầng trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác, đầu tàu kinh tế phía Nam sẽ thay đổi diện mạo và bước vào thời kỳ tăng trưởng mới.

Nguồn: https://baodautu.vn

Bạn đang xem Hạ tầng tạo động lực mới cho đầu tàu kinh tế phía Namtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *