Trước tình trạng thiếu nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đối tượng là người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét bố trí gói tín dụng riêng với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm
Có gói hỗ trợ tín dụng riêng cho công nhân
Thực hiện chủ trương chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, trong đó có nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động.
Đến nay, đã có 36 địa phương có văn bản giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng công trình với quy mô 1,5- 7,3ha. TLĐLĐ Việt Nam đã lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết điểm xây dựng thiết chế công đoàn; phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị dự án tại 18 địa phương; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án (tại Hà Nam, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng); chuẩn bị phê duyệt dự án đầu tư 2 dự án (tại Bình Đình, Vĩnh Phúc).
TLĐTĐ Việt Nam cũng đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (huyện Duy Tiên, Hà Nam) với các hạng mục: Nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 block nhà chung cư 5 tầng (244 căn hộ) thuộc giai đoạn 1 dự án. Đến nay, đã tổ chức cho thuê 244 căn hộ, đạt tỉ lệ 100%. Giá thuê nhà ở thấp hơn so với giá nhà trọ xung quanh; chất lượng ở tốt hơn rất nhiều.
Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, TLĐLĐ Việt Nam đang phối hợp với UBND các tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, kêu gọi tại 35 địa phương.
TLĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, xem xét ban hành gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua NOXH, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để bảo đảm với mức thu nhập…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc sở hữu NOXH của công nhân, người lao động là vấn đề khó giải quyết. Thu nhập bình quân của người lao động hiện nay rất thấp, người lao động phải làm việc khoảng 57 năm mới có thể mua được NOXH. Điều này cho thấy, bài toán giải quyết NOXH cho người lao động ngày càng căng thẳng.
Cũng theo ông Thịnh, để mua một căn NOXH, hầu hết người lao động phải huy động các nguồn lực từ gia đình, xã hội, bạn bè, người thân để vay mượn. Do đó để giải quyết vấn đề NOXH, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư, đảm bảo họ đầu tư và có lãi thì họ mới yên tâm đầu tư vào dự án. Cùng với đó hỗ trợ công nhân tiếp cận được gói tín dụng lãi suất ưu đãi.
Không hạ lãi suất, công nhân khó tiếp cận NOXH
Thúc đẩy mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn NOXH đến năm 2030, về nguồn vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với quan điểm cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân vay lãi suất thấp hơn 1,5% – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà. Tuy nhiên mức lãi suất này chưa hấp dẫn. Đầu tháng 6/2023, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ “ế” vì lãi suất cao.
Tại Hội thảo “1 triệu căn NOXH: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp” được tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cần nhận diện đúng NOXH. Theo ông Lực, với cách làm như hiện nay, nếu không có giải pháp đột phá sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính quốc gia, đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH cho người thu nhập thấp có thể cán đích đúng thời gian nếu như dùng tiền ngân sách nhà nước tài trợ để hạ lãi vay, giảm khó khăn cho người mua nhà. Theo ông Nghĩa, lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư nên áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường trừ đi 2%; còn đối với người mua nhà thì bằng lãi suất thị trường trừ đi 5%. Đặc biệt, ông Nghĩa kiến nghị 5% giảm trừ này sẽ do ngân sách tài trợ trực tiếp cho các các ngân hàng thương mại.
KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần có thêm những ưu đãi và tăng tỷ trọng NOXH cho thuê để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội triển khai có hiệu quả. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là nhận thức, chỉ đạo của địa phương, sự tham gia của doanh nghiệp, kế hoạch triển khai và quy trình thực hiện. Ngoài ra, các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn phát triển, thu hút xã hội hóa đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… rất cần được quan tâm.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Các ‘ông lớn’ BĐS đề xuất: Nới room cho vay bất động sản, giảm lãi suất, giãn nợ, có cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư lớn
- Chủ kênh TikTok sau phiên livestream 75 tỷ đồng: “Không có chuyện chúng tôi bỏ túi 9 tỷ đồng, nhưng những giá trị nhận được còn hơn thế”
- Khẩn trương gỡ khó cho bất động sản (*): Thúc tiến độ gói 120.000 tỉ đồng
- Người lao động tại Bình Dương luôn “khao khát” về nhà ở
- Không còn “sợ hãi”, lộ diện những khu vực nhà đầu tư đang đi “săn” đất nền