Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyết

168 lượt xem - Posted on

(PLO)- Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất giao tất cả các tranh chấp đất đai cho tòa án giải quyết trong khi một số lại cho rằng cần giữ nguyên như quy định cũ.

Ngày 17-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, luật gia Nguyễn Thanh Bình (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình) cho rằng một quyết định hành chính về đất đai mà người dân cho là xâm hại quyền lợi của mình thì họ khiếu nại hành chính. Cơ quan hành chính ra quyết định giải quyết khiếu nại mà người sự dụng đất không đồng ý thì có hai phương thức, một là theo thủ tục giải quyết khiếu nại, hai là khởi kiện ra tòa án.

Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyết
Bà Phan Kiều Thanh Hương (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) chủ trì hội nghị. Ảnh: YC

Sự việc như nhau mà hai hình thức thủ tục, hai cơ quan giải quyết thì rất bất cập. Nếu trường hợp cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại lần hai thì hết quyền khiếu nại tiếp khi quyền lợi của họ có thể bị xâm hại do cơ quan hành chính giải quyết.

Vì vậy, theo ông Bình để thống nhất phương thức giải quyết các khiếu nại đất đai nên giao cho tòa án giải quyết, có thể lập tòa chuyên trách trong TAND hoặc lập cơ quan tòa án nhà nước (hay tòa án bất động sản) ngoài TAND.

Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyết
Luật gia Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (Chủ tịch hội Luật gia quận Bình Thạnh) cũng đồng tình khi Điều 225 dự thảo quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án giải quyết. Tuy nhiên, bà Thủy đề xuất cần bổ sung quy định các tranh chấp khác liên quan đến đất đai như tranh chấp về bồi thường cũng nên quy định giao luôn cho tòa án giải quyết.

Ngược lại, ông Cáp Chiến Thắng (Hội Luật gia huyện Hóc Môn) cho rằng tranh chấp đất đai nếu giao hết cho tòa án thì sẽ đẩy hết áp lực cho tòa án, trong khi các cơ quan quản lý tại địa phương nắm rất rõ đối tượng nào đang sử dụng đất. Nếu giao cho tòa án thì tòa án cũng sẽ yêu cầu ủy ban chuyển toàn bộ hồ sơ. Vì vậy, ông Thắng đề xuất tranh chấp đất đai không có giấy tờ nên giao cho ủy ban giải quyết.

Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyết
Ông Cáp Chiến Thắng (Hội Luật gia huyện Hóc Môn) tại hội nghị. Ảnh: YC

Cùng quan điểm với ông Thắng, bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng nên giữ nguyên như quy định hiện hành, tức tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết; tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ thì đương sự được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án.

Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyết
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Theo bà Hương, lý do đề nghị giữ nguyên là quy định này sẽ tạo thêm sự lựa chọn cho người dân, đồng thời giảm tải cho tòa án. Mặt khác, UBND là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, nên đối với những tranh chấp mà đương sự chưa có giấy chứng nhận thì sau khi giải quyết tranh chấp, UBND có thẩm quyền sẽ thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận theo quyết định giải quyết tranh chấp.

YẾN CHÂU – Theo plo.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Góp ý Luật Đất đai sửa đổi: Vẫn tranh cãi về thẩm quyền giải quyếttrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *