Hà Nội, Tp.HCM và 10 tỉnh thành nằm trong diện được Quốc hội giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch chi tiết, giám sát và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội 2015 – 2023”.
Trình bày báo cáo kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, cho biết đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 8 Bộ, ngành, cơ quan: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước
Ngoài ra, 12 tỉnh thành gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Tp.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng nằm trong diện được giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, tập trung giám sát các nội dung về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản.
Tiếp đó là công tác quy hoạch (liên quan đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản; tác động, ảnh hưởng của các quy hoạch đến sự phát triển của thị trường bất động sản; giám sát quy hoạch…).
Giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản về quy mô, số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động, giải thể, phá sản; năng lực tài chính; thực hiện các chính sách về thuế và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản.
Giám sát việc triển khai các dự án bất động sản; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; các loại hình bất động sản mới; Đặt cọc trong giao dịch kinh doanh bất động sản; thanh toán trong giao dịch bất động sản; hợp tác quốc tế về kinh doanh bất động sản.
Giám sát tín dụng của thị trường bất động sản; Kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra còn có công tác tiếp nhận, thụ lý, điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản; tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan chuyên môn.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội.
Giám sát việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trách nhiệm của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội rất lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, giám sát chuyên đề của Quốc hội sẽ đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, sẽ xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trách nhiệm của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội rất lớn.
Ông Vương Đình Huệ đề nghị rút kinh nghiệm từ những cuộc giám sát trước, cần tránh việc không xác định được rõ trọng tâm, trọng điểm trong khi thời gian và lực lượng có hạn.
Với vấn đề nhà ở, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ hiện nay vướng mắc nhất là có hay không có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư; sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thế nào. Trong kinh doanh bất động sản, nếu muốn nói đến rủi ro là gì thì cần xem xét những điều cấm của luật sẽ rõ. Khi biết được rủi ro sẽ thấy được đâu là vấn đề trọng yếu khi giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhận định nếu không xác định sớm từ đầu những vấn đề này sẽ “bơi trong một rừng số liệu”. Vì vậy phải có trọng tâm trọng điểm, vấn đề trọng yếu mà bắt buộc các đoàn, các tổ đi đâu kiểm tra cũng phải trả lời được những câu hỏi này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những rủi ro mà luật cấm, liên quan đến tính chất pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, vốn liếng, thị trường, cung – cầu… là những nội dung trọng tâm, trọng điểm mà đoàn giám sát cần tập trung giám sát liên quan quản lý thị trường bất động sản.
Nguồn Báo Mới
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hướng dẫn 6 cách mở Wifi trên Laptop (Cập nhật 2020)
- Chuyên gia dự báo khoảng 40.000 tỷ đồng sắp được bơm vào bất động sản
- Lừa đảo gần 20 tỷ đồng của một phụ nữ, rồi ‘rửa tiền’ thông qua ví điện tử
- Thủ tướng yêu cầu các bộ vào cuộc gỡ khó cho thị trường bất động sản
- Hình hài dự án 1.500 tỉ đồng mở rộng đường ĐT 746 ở Bình Dương