Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khó cạnh tranh với hàng không?

9 lượt xem - Posted on

Đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến giá vé dự kiến của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thảo luận tại tổ sáng 13/11, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng tình với chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Song, đại biểu còn băn khoăn về tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh thành, thành phố với mật độ dân cư không quá đông. Trong khi đó, giá vé dự kiến ở mức 2 triệu đồng.

Đại biểu phân tích nếu chạy ở tốc độ 350km/h thì di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM mất khoảng 6-7 giờ. “Giá vé như vậy khó cạnh tranh với hãng bay Vietjet”, ông Bình cho hay.

Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) cho biết việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thời điểm này là phù hợp, giải quyết được hạ tầng giao thông thiết yếu, mở ra không gian phát triển.

Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khó cạnh tranh với hàng không? - 1
Đại biểu Lại Thế Nguyên (Ảnh: Quốc hội).

Nếu dự án được triển khai với tốc độ 350km/h, đại biểu nêu ví dụ đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chỉ mất khoảng 30 phút thay vì 2 giờ như hiện nay. Nếu đi đến TPHCM, nhiều người sẽ chọn đường sắt tốc độ cao.

Ông Nguyên dẫn chứng thêm việc di chuyển từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi TPHCM hết 1 giờ 45 phút. Tuy nhiên, thời gian đi từ địa điểm xuất phát đến sân bay hết 1 giờ, thêm 1 giờ chờ làm thủ tục. Tính thêm thời gian bị trễ chuyến, đại biểu cho biết cũng phải mất 5-6h mới có thể vào đến TPHCM.

Trong khi đó, đại biểu Thanh Hóa cho rằng đi đường sắt sẽ có thủ tục đơn giản, thời gian đi lại sẽ không thua đi máy bay.

Đại biểu đề nghị thời gian khởi công của dự án có thể sớm hơn dự kiến, khoảng cuối năm 2026.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, việc Chính phủ trình dự án đã đáp ứng được các cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị. Dự án này đi qua 20 tỉnh thành, trong đó có 23 nhà ga hành khách và 5 nhà ga hàng hóa.

Về mặt hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh dự án đi qua 20 tỉnh thành sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế, thu ngân sách ở các địa phương này.

Theo ông Ngân, với những nhà ga có tuyến đường sắt đi qua sẽ làm giá đất tăng lên. Vì vậy, vấn đề đấu giá đất ở những khu vực đó sẽ phân chia thế nào giữa địa phương và ngân sách Trung ương để bù cho dự án này cũng cần được tính đến.

Đại biểu lưu ý cần đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch. Hiện hai quy hoạch Hà Nội và TPHCM chưa được Thủ tướng phê duyệt. Khi phê duyệt quy hoạch, đại biểu đề nghị phải được lồng ghép quy hoạch dự án này để tránh điều chỉnh.

Trước đó, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, hiệu quả của việc tính toán giá vé bằng 60-70% giá vé bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị làm rõ cách tính giá vé toàn chặng, so sánh với các tuyến đường sắt tốc độ cao tương tự của các quốc gia trên thế giới, trong khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ và phải nhập khẩu, đầu tư nhiều hạng mục, có thể dẫn đến giá vé cao hơn thực tế.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung, đánh giá toàn diện hơn đối với phương án tài chính của dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác đặt trong tổng thể nhu cầu nguồn vốn đầu tư công và bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt cao tốc.

Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khó cạnh tranh với hàng không?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *