Trước thềm cuộc họp chính sách tháng 6, thị trường vẫn “dập dình” khiến Fed lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Các tín hiệu “hỗn loạn” của nền kinh tế Mỹ
Nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng với 10 lần tăng lãi suất liên tiếp trong 15 tháng để kiểm soát lạm phát, nền kinh tế Mỹ sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số phân tích khác lại không cho là như vậy.
Hiện tại, tốc độ tuyển dụng tăng nhanh. Giá nhà có tín hiệu khởi sắc sau nhiều tháng giảm. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể vừa là tin tốt vừa là tin xấu.
Sự “dẻo dai” của nền kinh tế có thể giúp Mỹ tránh khỏi kịch bản suy thoái dù Fed phải tác động để làm chậm quá trình tăng giá, từ đó kiểm soát lạm phát.
Nhưng nếu trong bối cảnh nhu cầu tăng, các công ty vẫn tiếp tục tăng giá mà không làm mất khách hàng thì có thể khiến lạm phát nóng lên – buộc người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho khách sạn, thực phẩm hay dịch vụ chăm sóc trẻ em. Đồng thời buộc Fed phải làm nhiều hơn nữa để hạ nhiệt.
Các nhà hoạch định chính sách có thể cần thời gian để tìm ra kịch bản nào có nhiều khả năng xảy ra hơn. Điều này giúp họ có thể tránh việc phản ứng thái quá và gây ra thiệt hại kinh tế không cần thiết hoặc phản ứng chậm chạp và để việc lạm phát tăng cao “dai dẳng”.
Do đó, một số nhà đầu tư đã đặt cược rằng các quan chức Fed sẽ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13-14/6 tới trước khi nâng chúng một lần nữa vào tháng 7.
Họ có thể sẽ thực hiện chính sách một cách thận trọng, đồng thời nhấn mạnh rằng tạm dừng không có nghĩa là bỏ cuộc và họ vẫn quyết tâm phải kiểm soát giá cả.
Nhưng chiều hướng đó đang ngày càng bị lung lay. Trong tuần này, thị trường đã nghiêng phần lớn về phía khả năng Fed vẫn có thể tăng lãi suất tại cuộc họp tháng này.
Tóm lại, các tín hiệu “hỗn loạn” của nền kinh tế sẽ càng khiến các cuộc thảo luận chính sách của Fed trở nên khó khăn trong những tháng tới.
Lãi suất sẽ thế nào?
Sau khi điều chỉnh chính sách một cách mạnh mẽ trong 15 tháng qua, các quan chức chủ chốt bao gồm chủ tịch Fed Jerome H. Powell và Philip Jefferson – người được Tổng thống Joe Biden chọn làm phó chủ tịch tiếp theo của Fed đã ám chỉ rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất để có thời gian đánh giá mức độ tác động đến nền kinh tế ra sao.
Nhưng đó vẫn là một quá trình phức tạp. Ngay cả ở một số lĩnh vực – thường chậm lại khi Fed tăng lãi suất – cũng đang thể hiện khả năng “chống chọi” mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên.
Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank cho biết: “Đó là một bức tranh rất phức tạp, tùy thuộc vào điểm dữ liệu mà bạn đang xem xét”. Ông cũng lưu ý rằng các số liệu tăng trưởng tổng thể như GDP đã chậm lại nhưng các con số quan trọng khác lại tăng lên.
Thị trường nhà ở cũng “đánh úp” nền kinh tế
Việc tăng lãi suất có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để cho thấy những tác động của nó. Nhưng về mặt lý thuyết, chúng sẽ có ảnh hưởng khá nhanh – bắt đầu làm chậm thị trường ô tô và nhà ở – cả hai đều được thực hiện bằng giao dịch mua bán lớn và đa phần bằng tiền mặt đi vay.
Lần này, câu chuyện đó đã trở nên phức tạp. Hoạt động mua ô tô đã chậm lại kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Nhưng trong nhiều năm gần đây, thị trường ô tô đã quá thiếu nguồn cung – phần lớn là do các vấn đề về chuỗi cung ứng – nên quá trình hạ nhiệt trở nên khó khăn.
Tình hình nhà ở cũng khiến nhiều nhà kinh tế “bối rối”. Thị trường này suy yếu rõ rệt vào năm ngoái khi lãi suất thế chấp tăng vọt. Nhưng tỷ giá gần đây đã ổn định và giá nhà đã tăng trở lại trong bối cảnh hàng tồn kho thấp.
Giá nhà không được tính trực tiếp vào lạm phát, nhưng sự quay vòng của chúng là một dấu hiệu cho thấy cần rất nhiều biện pháp để hạ nhiệt nền kinh tế đang “nóng” này.
Thị trường việc làm gây “khó hiểu”
Các quan chức Fed cũng đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất của họ đang làm chậm thị trường việc làm – một số công ty đã ngừng tuyển dụng.
Phản ứng dây chuyền đã bắt đầu. Một báo cáo gần đây chỉ ra yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Nhân viên tại các công ty tư nhân đang làm việc ít giờ hơn mỗi tuần.
Nhưng mặt khác, cơ hội việc làm đã tăng trở lại vào tháng 4/2023 và tiền lương cũng tăng. Tỷ lệ thất nghiệp thì tăng lên 3,7% trong tháng 5 từ 3,4% vào tháng 4 – nhưng vẫn còn thấp so với mức 4,5% mà các quan chức Fed dự kiến sẽ đạt được vào cuối năm 2023 trong các dự báo kinh tế mới nhất của họ. The New York Times cho biết, các quan chức dự kiến sẽ đưa ra dự đoán mới vào tuần tới.
Và theo một số thước đo, thị trường lao động vẫn đang hoạt động. Tuyển dụng vẫn đặc biệt mạnh mẽ. Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng tại ADP cho biết: “Mọi người nói chuyện như nền kinh tế đang chuyển động theo một đường thẳng. Trong thực tế, nó thực sự dập dình”.
Trước thềm cuộc họp chính sách tháng 6
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là yếu tố mấu chốt định hình các kế hoạch của Fed trong tháng 6 hay trong mùa hè này. Các quan chức từng dự báo vào tháng 3 rằng lạm phát được đo bằng PCE sẽ giảm xuống 3,3% vào cuối năm nay. Điều đó đang dần dần xảy ra.
Lạm phát ở mức 4,4% tính đến tháng 4, giảm từ 7% vào mùa hè năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% của Fed. Các quan chức sẽ nhận được báo cáo lạm phát chi tiết và cập nhật hơn cho tháng 5 vào ngày đầu tiên của cuộc họp tuần tới.
Các nhà kinh tế mong đợi sẽ có sự hạ nhiệt đáng kể – có thể khiến các quan chức tin tưởng vào việc tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng nếu những dự báo đó “thất bại”, nó có thể tạo ra một cuộc tranh luận thậm chí còn sôi nổi hơn về những gì xảy ra tiếp theo.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tử hình kẻ sát hại 3 người phụ nữ ở Khánh Hòa
- Thủ tướng đề nghị lãi suất ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam
- Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh, phá mốc lịch sử
- Tử vi ngày 19/11/2023 của 12 con giáp chủ nhật: Sửu thành công, Ngọ bị lợi dụng
- Mã chứng khoán là gì?