Trong tháng 9 này, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới sẽ đến Việt Nam để tìm nhà cung cấp. Một trong những yêu cầu mà họ đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố cạnh tranh về giá.
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), từ ngày 13-15/9, các tập đoàn hàng đầu thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ Điển), LuLu (UAE)… sẽ tham dự Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Vietnam International Sourcing 2023) tại TP.HCM.
Lần đầu tiên, nhiều đại siêu thị khổng lồ cùng tới Việt Nam
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp phân phối lớn ở châu Á, châu Phi, trong đó nhiều doanh nghiệp từ Ấn Độ, Malaysia, Trung Đông cũng tham gia… Doanh nghiệp của châu Á, châu Phi rất quan tâm đến mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, chế biến.
“Ông lớn” trong ngành bán lẻ Mỹ là Walmart sẽ đến Việt Nam để tìm nhà cung ứng sản phẩm. |
Vừa qua, Tập đoàn Aeon thông tin sẽ huy động đông đảo đại diện mua hàng trong hệ thống, từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia sang Việt Nam để tìm nguồn hàng. Mục tiêu chính của Aeon là tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của tập đoàn để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Đoàn cũng sẽ có các hoạt động đi thăm vùng nguyên liệu, vùng trồng, nhà máy sản xuất…
Trước đó, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ, “ông lớn” trong ngành bán lẻ Mỹ là Walmart cũng cho biết sẽ đến Việt Nam để tập trung thu mua sản phẩm tại 6 ngành hàng chính, đồng thời đưa ra hàng loạt lời khuyên cho doanh nghiệp trong nước có mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị của Tập đoàn.
Theo đó, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi: Xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm…
Đây được kỳ vọng là cơ hội rất tốt để nhà sản xuất Việt Nam có thể tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Bà Trần Như Trang, Đại diện Chương trình Sippo tại Việt Nam – chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu, cho biết trong tuần này, ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko (Đức) – hệ thống bán lẻ sở hữu 1.900 cửa hàng tại 17 quốc gia trên thế giới sẽ đến Việt Nam. Theo đó, lãnh đạo Takko sẽ đi khảo sát tại 8-10 nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam để trực tiếp xem xét, đàm phán về việc mua hàng.
Đáng chú ý, hiện nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể đưa sản phẩm vào chuỗi bán lẻ của Takko. Vì vậy, đây được xem là cơ hội rất lớn, bởi Takko đã dành 3 năm để tìm hiểu cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ hội của sản phẩm đem tới giá trị bền vững
Vậy, làm thế nào để đưa được sản phẩm vào chuỗi bán lẻ Takko? Bà Trang chia sẻ với VnBusiness rằng, giá cả là một trong những yếu tốt cần quan tâm, bởi hệ thống bán lẻ này đang có khoảng 200 nhà cung cấp từ Trung Quốc chào bán với giá rất cạnh tranh. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia thì giá sản phẩm phải tốt.
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng được bà Trang đề cập đó là phát triển bền vững. Hiện nay, các nhà bán lẻ toàn cầu chịu sức ép lớn về yêu cầu công bố thông tin bền vững ở thị trường EU, Mỹ… Vì vậy, họ rất mong muốn tìm được nhà cung ứng chứng minh được tiêu chí phát triển bền vững, với các tiêu chuẩn rõ ràng.
“Tôi tin rằng Takko đến Việt Nam thì họ đã sẵn sàng cho sự hợp tác, nhưng vấn đề còn lại phụ thuộc rất lớn vào việc doanh nghiệp Việt sẽ nắm bắt cơ hội này ra sao, sản phẩm có phát triển bền vững hay chưa”, bà Trang nói.
Trong khi đó, ông Giafar Safaverdi – Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á của IKEA (doanh nghiệp tư nhân bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới) đánh giá: Việt Nam là một thị trường cung ứng chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA. Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA.
Ông Giafar Safaverdi chia sẻ, nhiều tiêu chí để doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành đối tác của IKEA nói riêng và các nhà bán lẻ đồ nội thất ở Thuỵ Điển nói chung. Đối với IKEA, các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra một cuộc sống hằng ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người.
“Chúng tôi lựa chọn các nhà cung cấp cùng chia sẻ giá trị và hoài bão nhằm tạo nên ảnh hưởng tích cực cho nhân loại và hành tinh. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng tiêu chuẩn IWAY – Bộ Quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm. IWAY là cách để chúng tôi cùng các nhà cung cấp đảm bảo hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm, bằng cách xác định các kỳ vọng và cách thức làm việc rõ ràng đối với các nhà cung cấp, đảm bảo hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật”, ông Giafar Safaverdi nói.
Theo đó, thực hiện các tiêu chuẩn IWAY cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với tất cả các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ khi hợp tác với IKEA.
Có thể thấy, sau đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa để đảm bảo nguồn cung bền vững, và họ đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng.
“Nhiều đại siêu thị khổng lồ trên thế giới, giám đốc cấp cao của họ sẽ đến Việt Nam trong tháng 9 này và có cuộc gặp lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành với mong muốn tạo kênh thu mua mới”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, các tập đoàn bán lẻ toàn cầu mong muốn mua sản phẩm, giá trị bền vững, để từ đó bán được hàng ở nước họ nhiều hơn. “Vấn đề đặt ra là làm thế nào giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội đó, bởi nếu không đáp ứng được nhu cầu của chuỗi cung ứng thì họ tìm nhà cung cấp khác”, ông Linh nói.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ dẫn chứng khảo sát 90% doanh nghiệp tham gia chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 đều nhận thức được yếu tố bền vững, sức ép chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững, 60% doanh nghiệp đã và đang có hoạt động, đầu tư cho phát triển bền vững cho sản phẩm mang tính chất bền vững của mình. Theo đó, con đường phát triển bền vững là bắt buộc để doanh nghiệp Việt tìm được lối vào chuỗi cung ứng bền vững.
Nguồn: https://vnbusiness.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chính thức giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30% từ hôm nay (1/10): Ngân hàng và doanh nghiệp BĐS sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
- Doanh nghiệp bất động sản “đua nhau” báo lãi trở lại: “Cơn bĩ cực” của thị trường đã qua?
- Ngày 11/5: Giá vàng giảm nhẹ
- Mercedes-Maybach Night Series có vượt trội hơn Rolls-Royce Black Badge?
- Bộ trưởng Tài chính nêu lý do ‘một triệu tỷ đồng ngân quỹ gửi nhà băng’