Các doanh nghiệp muốn TP HCM sớm nâng cao năng lực logistics và một số cho biết đang sẵn sàng các dự án đầu tư hạ tầng trong ngành này.
Sáng 22/3, TP HCM tổ chức “Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế – xã hội thành phố đến năm 2030”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố đã đề ra 3 chương trình đột phá xoay quanh đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng và nhân lực, văn hóa. Cùng với đó là chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
“Chúng tôi mong các nhà đầu tư cùng tham gia nghiên cứu và triển khai các chương trình nêu trên, là ‘đồng tác giả’ cho sự phát triển thành phố trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Một trong những chìa khóa chính để đạt được những định hướng trên, theo nhiều doanh nghiệp là sự phát triển hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý, giao thông và năng lực logistics.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch SOVICO kiến nghị đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics. Từ đó, đưa thành phố thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về kỹ thuật, công nghệ bao gồm hàng không và công nghệ thông tin.
“Thúc đẩy đầu tư công thì với các dự án thiếu vốn, ngân hàng có thể tài trợ hoặc vốn bắc cầu. Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng thêm cơ chế thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách như PPP, BOT”, bà Thảo nói.
Ông Park Hyun Bae, Giám đốc công ty KCTC Vina cho rằng, thành phố cần tiếp tục nâng cấp phát triển mở rộng hệ thống cảng Cát Lai, Hiệp Phước. Ông cũng mong sớm ứng dụng hệ thống trao đổi thông tin điện tử có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai quản lý các cảng hiệu quả.
Ông Boris Cohen, Tổng giám đốc MSC Việt Nam muốn Cảng Cát Lái và cả cụm cảng số 5 theo quy hoạch trở thành hệ thống cảng biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bởi riêng Cát Lái đã chiếm 60% lượng hàng qua cả nước. Doanh nghiệp này còn mong muốn thành phố chấp thuận cho đầu tư sớm một cảng trung chuyển tại Cần Giờ.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn cũng ngỏ ý xây một trung tâm dịch vụ hậu cần logistics tại TP Thủ Đức. Dự án này đã trình lên UBND TP Thủ Đức, nằm trong chuỗi kho logisitcs phân bổ cả nước để phục vụ cho hãng hàng không IPP Air Cargo mà ông đang xin cấp phép thành lập.
Năng lực cạnh tranh của thành phố được đánh giá rất lớn qua năng lực hậu cần, chuỗi cung ứng, tương tự như hệ thống mạch máu trong cơ thể. Bên cạnh các ý kiến xây thêm đường, mở rộng cảng, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept cho rằng cần triển khai nhanh hơn hệ thống cảng ICD đã quy hoạch và đào tạo nhân lực.
“Tôi mong TP HCM tập trung ưu tiên đột phá nguồn nhân lực logistics, vì đang còn thiếu và yếu. Nên quy hoạch phát triển quỹ đất cho trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm logistics hiện đại, các học viện logistics”, ông nói.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM xác nhận rằng, thành phố chưa chú trọng đúng mức phát triển hạ tầng giao thông, vận tải, dịch vụ, các dự án hạ tầng đô thị lớn triển khai còn chậm. Đây là những nội dung mà thành phố mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp thêm.
Riêng nguyện vọng xây cảng trung chuyển của MSC tại Cần Giờ, lãnh đạo thành phố phản hồi rằng, quy hoạch sau năm 2030 cũng đã có định hướng này nhưng sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến về nhu cầu cấp thiết đã nêu do kinh tế biển cũng đang phát triển mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến cải thiện hạ tầng công nghiệp, hạ tầng số và chính sách cũng được đưa ra nhằm giúp TP HCM phát triển bền vững.
Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Kizuna cho rằng nên phát triển thêm các khu nhà xưởng dịch vụ hoặc các cụm mới theo quy hoạch. “Hiện chúng tôi đã đăng ký đầu tư một khu công nghiệp đồng bộ, nếu được chấp thuận, TP HCM sẽ có khu công nghiệp đồng bộ đầu tiên vào 2025”, bà Hiếu nói.
Ông Trần Mạnh Hùng, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG cho biết sẵn sàng phát triển thêm hạ tầng khu công nghiệp và đang kỳ vọng gỡ được khó khăn cho việc xây dựng nhà ở công nhân. Phía SOVICO và Unicloud muốn tham gia vào tiến trình phát triển nền kinh tế số và triển khai thành phố thông minh.
Riêng Unicloud và Dragon Capital cho biết sẵn sàng tham gia vào nhiều tiến độ của đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. “Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ kỹ thuật, chi phí để thành phố có thể nghiên cứu hoàn thiện đề án”, ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch Dragon Capital cho biết.
Phía Dragon Capital còn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng thị trường hàng hóa, bằng cách mang kinh nghiệm của thị trường hàng hoá London về thành phố, cũng như tham gia xây dựng cơ chế thí điểm chính sách (sandbox) cho lĩnh vực Fintech.
“Chúng tôi sẽ cùng với công ty chứng khoán tiếp tục huy động vốn, với kỳ vọng gấp đối trong tương lai, để tài trợ các dự án khu công nghiệp, vận tải, thị trường hàng hoá, sẵn sàng tài trợ vốn cho hiệu quả”, ông Tân cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM hoan nghênh các góp ý của doanh nghiệp, xoay quanh 3 trọng tâm lớn là hệ thống chính sách, quy định; xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế xã hội, và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Ông đề nghị chính quyền và doanh nghiệp đã cam kết đồng hành thì cần tiêu chí quy định trách nhiệm cụ thể mỗi bên. Khi gặp khó khăn vướng mắc sẽ cùng nhau giải quyết và có cơ chế xử lý nhanh nhất.
“Những khó khăn vướng mắt tồn tại, cả những khúc mắt còn tồn đọng trong hệ thống chính quyền các cấp, chúng tôi đã và đang tập trung nỗ lực tháo gỡ theo hướng việc gì thuộc thẩm quyền của thành phố sẽ giải quyết sớm. Việc nào thuộc thẩm quyền của cấp trên thì đã và đang tập hợp để báo cáo”, ông cho biết thêm.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Động thái “lạ” của giới đầu tư địa ốc đầu năm
- Lãi suất tiền gửi mới nhất tại 30 ngân hàng biến động ra sao?
- 2 dự án gần 10.000 tỷ hiện thực hóa ước mơ của 22 triệu người dân, giúp vùng đất ‘Chín Rồng’ cất cánh
- Cổ phiếu bất động sản tốt lỏi
- Nhân viên y tế bỏ việc đi đâu, làm gì?