Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM kỳ vọng những “nút thắt” trên thị trường được gỡ

207 lượt xem - Posted on

Thời gian qua nhiều dự án tại TP.HCM bị vướng mắc chưa thể tiếp tục triển khai.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá tích cực về việc này cùng nhiều kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khơi thông trở lại.

Nhiệm vụ cụ thể

Ông Nguyễn Duy Thành – Tổng giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) đánh giá cao một nội dung trong Nghị quyết 33 là giao quyền cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết hồ sơ. Theo ông Thành, thời gian qua tại một số địa phương có xuất hiện tâm lý “sợ sai” của cán bộ, không dám phê duyệt hồ sơ dẫn đến việc doanh nghiệp thì vội mà lãnh đạo địa phương thì không vội.

Ngoài ra, theo ông Thành, thời gian vừa qua thị trường bất động sản bị tắc nghẽn còn do yếu tố tin đồn. Năm 2022, tin đồn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp. Tại Nghị quyết 33, nội dung chỉ đạo thứ 6 cũng có yêu cầu các cơ quan truyền thông đưa tin công khai, minh bạch, mang tính chất tích cực.

“Dẹp ngay những tin lá cải, những tin mang tính làm méo mó thị trường. Tôi thấy Nghị quyết 33 ban hành kịp thời, đúng thời điểm và có trọng tâm” – ông Thành nói.

Chỉ ra điểm mạnh của Nghị quyết 33, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, đã tạo được lòng tin cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Trong đó, nghị quyết có nói rõ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu về tình hình, tránh tình trạng thông tin trái chiều làm ảnh hưởng thị trường.

Theo ông Nghĩa, nghị quyết cũng chỉ rõ trách nhiệm, vai trò của từng chủ thể, các bộ ngành nào sẽ làm gì và gắn với thời hạn giải quyết cụ thể. Đơn cử như mảng nhà ở xã hội, nghị quyết nói rõ tháng 5/2023 phải trình cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết để thực hiện thí điểm.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình những nghị định sửa đổi những điểm vướng trong quy trình xin các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại” – ông Nghĩa nói.

Gỡ khó được nhiều vấn đề

Về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, ông Trần Khánh Quang – Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hoà cho rằng, Chính phủ đưa ra yêu cầu các ngân hàng giãn nợ vay hoặc giãn nợ trái phiếu. Ông Quang đánh giá đây là lĩnh vực trước mắt có thể “gỡ khó” được ngay, để giúp các doanh nghiệp bất động sản xoay sở được dòng vốn để hoạt động.

“Vấn đề giãn nợ trái phiếu sẽ có tác động trước mắt liền, có nghĩa là doanh nghiệp không gặp khó khăn về dòng tiền. Bắt đầu tái khởi động và sẽ chuyển đổi phương thức kinh doanh cho phù hợp với thị trường” – ông Quang đánh giá.

Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM kỳ vọng những “nút thắt” trên thị trường được gỡ
Cần bám sát định hướng của Nghị quyết 33 để phát triển thị trường lành mạnh, bền vững.

Nhận định về dòng tiền cho thị trường, bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc cấp cao của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng: Nghị quyết 33 đã có những chỉ đạo để giải quyết khó khăn, ưu tiên tạo điều kiện tín dụng cho các doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Năm 2022, việc hạn chế room tín dụng vào bất động sản có ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường, trong đó có cả những doanh nghiệp đang làm tốt.

“Nghị quyết 33 đã tách bạch rõ ràng, chủ đầu tư nào có kế hoạch trả nợ, chưa bao giờ bị vướng vào nợ xấu thì doanh nghiệp đó phải được ưu tiên được giãn nợ gốc, ưu tiên giảm lãi vay” – bà Dung nói.

Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam nhận định: Thông qua Nghị quyết 33, các nhà đầu tư sẽ thấy được bức tranh của thị trường bất động sản và tự tìm được lối đi riêng. Còn đối với người tiêu dùng, ông Khương cho rằng sẽ hình dung được những khó khăn mà bản thân các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng chưa giải quyết được, ví dụ như giải phóng mặt bằng hoặc việc cấp “sổ hồng”…Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ chủ động hơn với kế hoạch của mình.

Theo ông Khương, Nghị quyết 33 cần phải có khoảng thời gian để thực thi và mang lại tác động về mặt điều tiết với thị trường bất động sản. Thời gian tới, còn một số công việc cần phải thực hiện.

“Việc triển khai như thế nào, giám sát, báo cáo thường kỳ cho lãnh đạo TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ thì Nghị quyết 33 mới thực sự đi vào cuộc sống” – ông Khương nêu ý kiến.

Có thể nói, Nghị quyết 33 được ban hành đã tiếp thêm động lực cho toàn thị trường bất động sản. Tới đây, các chủ thể có liên quan cần bám sát định hướng để thực hiện, cân đối lại các phân khúc nhà ở hướng tới nhu cầu thực, cũng như hoàn thiện các thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và bền vững./.

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM kỳ vọng những “nút thắt” trên thị trường được gỡtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *