Tuyến đường vừa kết nối đường vành đai 3, vành đai 4 của TP. HCM, vừa kết nối với con đường xuyên Á đi qua cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia…
UBND TP.HCM vừa có Tờ trình số 1890/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Được biết, các nội dung trong Tờ trình số 1890 đã được UBND TP.HCM tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; góp ý của các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo đó, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1 có điểm đầu giao với đường vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài Dự án khoảng 50,977 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM là 24,66 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317 km.
Dự án được đầu tư theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc tiêu chuẩn, chiều rộng nền đường 25,5 m, giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 19.617 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 9.273 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác là 695 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật là 1.594 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá là 1.594 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng.
Dự kiến phần vốn Nhà nước tham gia Dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư (vốn ngân sách Trung ương là 2.872 tỷ đồng và vốn ngân sách TP.HCM là 6.802 tỷ đồng); phần vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến là 14 năm 10 tháng.
UBND TP.HCM đề xuất thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian 2024 – 2025; khởi công dự án vào tháng 4/2025; thời gian thi công xây dựng từ năm 2025 đến năm 2027.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cần cơ chế giải phóng mặt bằng như vành đai 3 TP.HCM. Công tác giải phóng được mặt bằng là yếu tố tiên quyết để triển khai thành công một dự án giao thông.
Với đường vành đai 3 TP.HCM, Thủ tướng đã cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bãi đổ chất thải rắn trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Nhờ cơ chế này, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường từ 1 – 1,5 năm.
Với cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cơ chế áp dụng triển khai thực hiện trước một số công việc cần thiết để đẩy nhanh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (tương tự cơ chế cho vành đai 3 TP.HCM).
Tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TPHCM tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh. Tuyến đường vừa kết nối đường vành đai 3, vành đai 4 của TPHCM, vừa kết nối với con đường xuyên Á đi qua cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia. Nhờ đó, chi phí vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển, sân bay và các khu kinh tế trọng điểm phía Nam tới Campuchia, Thái Lan được giảm xuống.
Đồng thời, người dân, khách du lịch cũng dễ dàng hơn trong việc di chuyển từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại. Cao tốc TPHCM – Mộc Bài được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu công nghiệp chế xuất ở những nơi con đường đi qua.
Đời sống Pháp luật
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- 12 phần mềm chỉnh sửa, edit video miễn phí tốt nhất 2021
- Giải pháp nới room tín dụng đã bước đầu gỡ khó nguồn vốn cho bất động sản
- Một số châu lục bắt đầu có ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ
- Thiếu niên 16 tuổi xịt hơi cay cướp tiền
- Chủ tịch Dynam Capital: Tăng trưởng GDP của Việt Nam đáng kinh ngạc, nhưng cảnh báo rủi ro tác động từ suy thoái toàn cầu