LTS: Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của TS Trần Đình Thiên nêu những điểm mấu chốt cần tháo gỡ trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Thứ nhất, về nội hàm sở hữu toàn dân

Hiến pháp 2013 quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật đất đai hiện hành chưa rõ nội hàm này và từ đây đã làm nảy sinh nhiều xung đột trong thực tiễn.

Đến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, khái niệm sở hữu toàn dân cũng chưa được làm rõ. Đây là điểm căn cốt nhất. Ví dụ, sở hữu toàn dân thì khi một người sinh ra trên đời thì có được đảm bảo sở hữu một mảnh đất hay không?!

Chuyên gia Hiến pháp, ông Nguyễn Đăng Dung nói, khái niệm quan trọng nhất là sở hữu toàn dân lại không được định nghĩa rõ ràng trong dự thảo Luật. Vì thế, cấu trúc chủ thể của sở hữu toàn dân không rõ; lợi ích, trách nhiệm gắn với chủ thể sở hữu toàn dân không được xác định. Nhà nước đại diện toàn dân để thực thi quyền sở hữu, vậy dân thì sao? Chừng nào khái niệm này chưa được định nghĩa rõ ràng thì e rằng, những ách tắc vẫn khó được xử lý.

TS Trần Đình Thiên: Cần minh định rõ nội hàm sở hữu toàn dân liên quan đến đất

Hơn nữa, tôi cho rằng phải định nghĩa đất là gì. Đất có hai nội hàm chính, mà Tiến sỹ Luật Phạm Duy Nghĩa lâu nay đã nói: Một, đất đai là lãnh thổ quốc gia; Hai, đất là nguồn lực, tài sản.

Đất đai là lãnh thổ quốc gia, là thiêng liêng, không có giá gì cả. Đất được định nghĩa bằng xương máu, mồ hôi, bằng lịch sử, văn hóa chứ không phải bằng tiền.

Còn đất đai là nguồn lực, là tài sản thì cần xác định rõ quyền tài sản. Trong tư cách là nguồn lực cho phát triển, cần xác định quyền tài sản rõ ràng từ đó nó mới vận hành theo thị trường được. Vì thế, dự thảo cần minh định quyền tài sản để thị trường phát triển bền vững, hiệu quả.

Nhưng trong Dự thảo không định nghĩa được thế nào là đất đai như vậy. Quan điểm giữa đất đai tư cách lãnh thổ và đất đai trong tư cách nguồn lực không được làm rõ và gây nhầm lẫn, kéo dài nhiều năm.

Cho nên, trong nhiều trường hợp, đất đai trong vai trò lãnh thổ thiêng liêng được nhân danh để tước đoạt đất đai trong vai trò nguồn lực một cách đơn giản, tùy tiện. Vì các khái niệm đó không được làm rõ trong Luật nên kinh tế càng phát triển thì xung đột lợi ích càng tăng lên, nền kinh tế không vận hành theo quy luật thị trường, làm tổn hại đến cả nhà nước và người dân.

Thứ hai, về giá đất

Giá đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất. Đất và quyền sử dụng đất là hai phạm trù, có thể giao nhau nhưng không phải là nhau, cho nên không thể định nghĩa theo hình thức đó như trong Dự thảo được.

Ai cũng biết giá cả thể hiện bằng tiền. Nhưng trong Dự thảo lại định nghĩa giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của một mảnh đất tại một thời điểm. Tức là, định nghĩa này rất mập mờ, không minh định cho nền kinh tế vận hành.

Giá đất cạnh tranh bởi nhiều yếu tố, ví dụ mảnh đất có vuông vắn, hợp phong thuỷ không? Hơn nữa, giá đất còn có mấy yếu tố: Nó là giá vốn và giá vốn lấy lãi suất làm chuẩn nhưng lâu nay bị bỏ quên; đất đai lại là vốn đặc biệt, càng ngày càng khan hiếm nên giá đất ngày càng thay đổi. Những yếu tố tác động đến tính cạnh tranh trong giá đất trong Dự thảo không rõ.

Chức năng quan trọng nhất của đất đai là vốn. Chúng ta đang lãng phí vốn cực lớn ở chỗ, quyền sở hữu không rõ ràng, minh định.

Giá đất lâu nay được quan niệm là giá của quá khứ nhưng trên thực tế giá đất bao giờ cũng trên cơ sở tương lai, giá đầu cơ. Ví dụ, mảnh đất được quy hoạch thành khách sạn là giá tương lai. Cái tương lai đó mới chuyển thành khả năng đầu cơ. Nhưng giá đất đang được Nhà nước tính theo giá hiện tại, hiện thực nên mới cho chuyện tính bồi thường bằng thóc lúa, bằng vụ mùa. Cách tính đó là không được rồi vì thực tiễn rất sinh động, người nông dân không sống bằng ba vụ lúa đó mà còn bằng kế sinh nhai khác.

Trong khi đó, bồi thường ba vụ lúa rồi chuyển người ta đi chỗ khác có khi làm họ mất luôn kế sinh nhai không liên quan đến làm ruộng. Hay nói cách khác, cách tiếp cận giá cả không thị trường và rất áp đặt.

Giá đất đặc biệt là giá tương lai. Thực chất của giá đất là địa tô tuyệt đối, trả cho nhà nước để nhà nước làm nhiệm vụ lãnh thổ quốc gia. Tất cả người có đất đều trả cho nhà nước, cứ 1 mét vuông đất là bao nhiêu tiền để nhà nước làm nhiệm vụ bảo vệ đất ấy cho phần đất chi phí cho lãnh thổ quốc gia. Còn phần địa tô chênh lệch 1 tức là, ví dụ vốn đang ở rừng sâu tự nhiên quy hoạch thành 3 mặt tiền rộng thì địa tô chênh lệch đó được quyền tự nhiên, chủ đất được hưởng. Nhưng nếu chủ đất không biết thì người mua đất được hưởng.

Địa tô chênh lệch 2 là thuê đất của ông, đầu tư thêm thì thặng dư tăng thêm nên phần đó đương nhiên đầu tư được hưởng, nên tại sao mua bán quyền sở hữu đất đai có thời hạn, chẳng hạn nếu bán đứt cũng được, nhưng bán 70 năm nên quy ra quyền sử dụng thôi, cho thuê bán không đúng. Nên không để chủ đất được hưởng thì người thuê đất kéo dài thời gian thuê đất để đầu tư thêm hiệu quả, còn người cho thuê đất có xu hướng muốn thời hạn ngắn lại.

Bản chất giá đất liên quan đến địa tô gồm thuế.

Muốn chống đầu cơ cần đến công cụ thuế lũy tiến và điều đó cần đến vai trò của Nhà nước. Anh không sử dụng đất, để hoang hóa thì bị đánh thuế luỹ tiến để họ phải bán cho người khác sử dụng hiệu quả hơn. Thuế đất của Việt Nam không theo nguyên lý đó nên không chống được đầu cơ của những người nắm được thông tin đất đai và có quyền phân phối đất đai.

Công cụ quan trọng bậc nhất của Luật này để giải quyết các vấn đề xung đột phải là thị trường, là giá cả cạnh tranh được hiểu là giá vốn, địa tô, thuế…

Mọi bí ẩn đều chốt lại ở đất và không thoát khỏi đất. Chừng nào chưa để đất đai biến thành nguồn lực sẽ còn khó phát triển.

Chức năng quan trọng nhất của đất đai là vốn. Chúng ta đang lãng phí vốn cực lớn ở chỗ, quyền sở hữu không rõ ràng, minh định. Xin lấy ví dụ, mảnh đất này được định giá 1 tỷ đồng, đem thế chấp vay được 70%. Ngoài chuyện miếng đất đó vận hành như nguồn lực thì doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn bằng tiền, tự nhiên nguồn lực đất nước tăng lên gần gấp đôi.

Nguồn: https://vietnamnet.vn