Cơ chế đặc thù giúp Ninh Bình triển khai bứt phá cao tốc 7.000 tỷ đồng

24 lượt xem - Posted on

Sau hơn 6 tháng được Thủ tướng phân cấp làm cơ quan chủ quản dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư, rút ngắn 1/2 thời gian.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đang phấn đấu cuối tháng 12 sẽ khởi công dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình, có tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng.

Cơ chế đặc thù giúp Ninh Bình triển khai bứt phá cao tốc 7.000 tỷ đồng - 1
Cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn, UBND tỉnh Ninh Bình được Bộ GTVT ủy thác làm chủ đầu tư, sử dụng nhiều năm qua (Ảnh: Thái Bá).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình dài 25,3km (điểm đầu tại nút Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc Nam, địa phận huyện Yên Mô; điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy, huyện Yên Khánh), 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h.

Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định phê duyệt dự án và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã mở thầu gói khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, đang tổ chức chấm thầu theo quy định.

Theo ông Nguyễn Cao Sơn, dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng có chiều dài 117km, qua tỉnh Ninh Bình khoảng 26km, Nam Định và Thái Bình khoảng 62km và Hải Phòng 29km. Đoạn từ tỉnh Nam Định đi Thái Bình được thực hiện theo phương thức PPP do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền (dự kiến hoàn thành năm 2027). Đoạn qua tỉnh Ninh Bình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

“Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình đang được triển khai sớm hơn dự kiến vì được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án”, ông Sơn nói.

Cơ chế đặc thù giúp Ninh Bình triển khai bứt phá cao tốc 7.000 tỷ đồng - 2
Nút giao Mai Sơn, điểm đầu cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình, giao với đường cao tốc Bắc Nam (Ảnh: Thái Bá).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, nếu không được thí điểm về chính sách đặc thù, phải chờ vốn đầu tư theo quy định, dự án do Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản theo Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giao thông đường bộ, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ.

Cụ thể, theo ông Sơn, dự án đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình khi chưa được áp dụng cơ chế đặc thù không nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT, phải báo cáo Quốc hội để bổ sung nhiệm vụ đầu tư, danh mục, nguồn vốn thực hiện dự án.

Ông cũng cho biết, dự án nếu được Quốc hội chấp thuận cũng phải cần nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư, dẫn đến triển khai không đồng bộ với đoạn cao tốc Nam Định – Thái Bình (thực hiện theo phương thức PPP). Bên cạnh đó, trường hợp dự án có tham gia của ngân sách địa phương cũng sẽ xuất hiện tiêu chí quan trọng quốc gia, cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

“Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Ninh Bình cơ quan chủ quản đầu tư dự án, UBND tỉnh Ninh Bình đã trình HĐND tỉnh và có quyết định chủ trương đầu tư sau hơn một tháng được Thủ tướng Chính phủ phân cấp.

Hiện nay, dự án triển khai nhanh hơn dự định, thời gian rút ngắn được 1/3-1/2 so với tiến độ thông thường”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thông tin.

Cơ chế đặc thù giúp Ninh Bình triển khai bứt phá cao tốc 7.000 tỷ đồng - 3
Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội Đồng bằng sông Hồng, và khu vực Bắc Trung Bộ (Ảnh minh họa).

Theo ông Sơn, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phân cấp, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo, thường xuyên kiểm điểm công việc theo tuần, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ dự án.

Đồng thời, ban chỉ đạo cũng tổ chức họp ngay khi phát sinh khó khăn vướng mắc để bàn cách giải quyết. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng tiến độ chi tiết từng nội dung, công việc cụ thể.

Để dự án sớm được thi công, theo ông Sơn, tỉnh Ninh Bình đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án đã bàn giao toàn bộ mốc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để rà soát, kiểm đếm. Các địa phương đã triển khai họp công khai dự án với các hộ dân bị ảnh hưởng để kê khai, kiểm đếm theo quy định.

“Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình ngoài đảm bảo kết nối đồng bộ cả tuyến đường cao tốc từ Ninh Bình đi Hải Phòng còn tạo động lực phát cho phát triển kinh tế – xã hội của khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Bắc Trung Bộ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ.

Nguồn: dantri.com.vn

Bạn đang xem Cơ chế đặc thù giúp Ninh Bình triển khai bứt phá cao tốc 7.000 tỷ đồngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *