Xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, thấu đáo mọi mặt để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là 02 dự án luật khó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Với 12 triệu lượt ý kiến góp ý của cử tri và thảo luận qua 3 kỳ họp của Quốc hội, nhưng đến Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.
Do dự Luật có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, có tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, cần áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét thật thấu đáo mọi mặt, Quốc hội khóa XV đã quyết định chưa thông qua dự thảo Luật này.
Quyết định này của Quốc hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần cẩn trọng, có trách nhiệm của Quốc hội.
Ngay sau kỳ họp thứ 6, các cơ quan đã nỗ lực cao nhất, làm việc ngày đêm để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và mong mỏi của người dân.
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi): Bài học quý để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp
Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
Sau kỳ họp, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đã thực hiện rà soát kỹ thuật văn bản sau thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực văn bản Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định.
Luật Đất đai năm 2024: Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ-TW
Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Việc ban hành Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 Chương, 260 điều, trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về:
(1) Xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(2) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.
(3) Thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
(4) Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất…
(5) Đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng.
(6) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
(7) Chế độ sử dụng đất đa mục đích; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích; hoạt động lấn biển…
(8) Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Chính phủ
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Phó thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu bổ sung thu thuế với nhà ở
- Góc nhìn chuyên gia: Tín hiệu đảo chiều lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực cho chứng khoán
- Khơi thông nguồn vốn bất động sản bằng cách nào?
- Hướng dẫn 4 cách tắt bàn phím laptop (Thành công 100%)
- Ngân hàng Nhà nước họp với các ngân hàng triển khai giảm lãi suất cho vay