Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 được điều trị tại nhà.
Ngày 3/3, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo Chính phủ về điều hành kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm.
Bộ trưởng cho rằng, cần phải nhìn thẳng và kỹ hơn 2 vấn đề dư luận xã hội hiện nay rất đồng tình. Trước hết đó là nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại, bình thường hóa mọi quan hệ trở lại. “Đây là một vấn đề rất lớn, cần phải tổng kết để đưa ra các giải pháp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, dư luận rất đồng tình về sự ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ điều đáng mừng là từ sau Tết đến nay, số lao động quay trở lại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố tương đối cao. Cùng đó là thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu.
Dù mừng vì thị trường lao động phục hồi, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra những vấn đề mà các đơn vị liên quan cần lưu tâm. Đó là số lao động bị F0 tăng nhanh, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội thời gian vừa qua, nên đặc trưng của năm nay rất khác so với mọi năm, đó là tình trạng lao động nhảy việc.
“Đa số doanh nghiệp giữ mức lương cơ bản và giữ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các doanh nghiệp đều đưa ra các lời mời, các tiêu chí, lợi ích rất lớn để giành giật lao động. Cho nên nhảy việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác diễn ra rất mạnh. Vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, tạm thời”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Người đứng đầu Ngành cũng cho biết, vừa qua tình trạng đình công, dừng việc, tranh chấp quan hệ lao động diễn ra nhiều hơn so với bình thường hàng năm. Cụ thể, trước và sau Tết diễn ra khoảng 30 cuộc đình công, tạm dừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ là do xung đột giữa chủ sử dụng lao động với người lao động xung quanh vấn đề là đòi hỏi nâng lương, đòi hỏi tăng phụ cấp…
“Chúng tôi nhận thấy nguyên nhân là sau thời gian giãn cách, vì các doanh nghiệp đưa ra các chính sách mời gọi người lao động rất khác nhau. Vì vậy, người lao động có đòi hỏi, doanh nghiệp phải nâng lên, nếu không nâng lên những chính sách đó thì người ta nhảy việc. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần phải lưu tâm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề cần phải quan tâm trong bối cảnh hiện nay là đang thiếu tạm thời lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Trong đó, chủ yếu là thiếu lao động trình độ cao. Do vậy, theo Bộ trưởng, chúng ta cần phải chú trọng ổn định lao động trong nước, kể cả lao động giản đơn, lao động trình độ cao.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, từ ngày 1/3, các nước đã mở cửa trở lại tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong đó có Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia đã làm việc với Việt Nam về vấn đề này.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giờ làm thêm trong tháng, trong năm để giải quyết nhu cầu của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động bị F0 phải điều trị tại nhà, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.
“Tôi thấy vấn đề này cần phải xử lý sớm, vì lượng F0 hiện nay điều trị tại nhà rất bình thường. Nếu không xử lý vấn đề này gây vướng mắc tới một số việc như nữ lao động nuôi con thế nào…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trên 48,3 triệu lượt người ảnh hưởng dịch bệnh được hỗ trợ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, Trung ương và các địa phương đã chi 77.799 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 742.469 lượt người sử dụng lao động và trên 48,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung ương và các địa phương đã dành nguồn ngân sách các cấp và kinh phí vận động xã hội hóa để tặng quà, hỗ trợ gạo cho các đối tượng chính sách, người lao động là 9.287 tỷ đồng cho trên 57,81 triệu lượt đối tượng (gồm 25,32 triệu lượt đối tượng được tặng quà Tết và 32.168 tấn gạo dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn).
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc ở các khu công nghiệp, tỉnh thành phố tương đối cao. Tuy nhiên do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu phục hồi và mở rộng nên vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu hàng ngàn lao động.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Khối ngoại mạnh tay “xả” hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam ngay dịp đầu năm mới Giáp Thìn, đâu là tâm điểm?
- Bình Dương: Pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa, 400.000 lao động ở lại đón tết
- Hạ viện Mỹ duyệt điều tra luận tội ông Biden
- Vì sao ngân hàng và doanh nghiệp BĐS được ví là “ngồi chung trên một con thuyền”?
- Thêm nhiều trường hợp không được vay vốn ngân hàng từ ngày 1/9