Bứt phá công nghệ, đặt ‘nền móng’ đô thị thông minh cho Bình Dương

226 lượt xem - Posted on

Tiếp cận mô hình đô thị thông minh, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, kinh tế số là xu hướng Bình Dương nỗ lực hướng đến để rút ngắn khoảng cách với nền kinh tế hiện đại.

Bứt phá công nghệ, đặt 'nền móng' đô thị thông minh cho Bình DươngBứt phá công nghệ, đặt 'nền móng' đô thị thông minh cho Bình Dương

“Không ai có thể đứng mãi trên vai người khổng lồ, và Bình Dương cần dựa trên vị thế cạnh tranh có sẵn của mình, để điều chỉnh chiến lược hợp lý, tự lực đi nhanh, đi xa và vươn cao hơn trước xu thế chuyển dịch chung của nền công nghiệp, kinh tế số thế giới”, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nói về những thách thức tăng trưởng của Bình Dương giai đoạn sắp tới.

Trước làn sóng đầu tư vào Bình Dương ngày càng chất lượng, với các tên tuổi tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu. Vị chuyên gia cho rằng Bình Dương cần trở thành trung tâm đào tạo tay nghề có kỹ năng cao để bắt kịp nhu cầu của các nhà đầu tư khó tính.

Vai trò Becamex

Tính đến đầu năm 2022, Bình Dương có 3 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn và không còn doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa. Điều đó cho thấy lực lượng kinh tế “chủ đạo” tại tỉnh này không còn nhiều, và Becamex là một trong số rất ít đó.

Không chỉ định hình sự phát triển của Bình Dương và khu vực tư nhân, TS Trần Quang Thắng nhận định Becamex còn đóng vai trò giữ vững vị thế của doanh nghiệp Nhà nước và là cầu nối giữa địa phương và các khu vực doanh nghiệp tư nhân thông qua các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và an sinh xã hội của tỉnh.

Tư duy của những nhà lãnh đạo địa phương đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho cả hệ thống bên dưới chuyển động theo.

TS Trần Quang Thắng

Dẫn chứng, VSIP được xem là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Đây là liên doanh được thành lập năm 1994 giữa SembCorp (Singapore) và Becamex (Bình Dương – Việt Nam với tỷ lệ lần lượt 51% và 49%.

Hiện nay, ngoài 7 khu công nghiệp lớn vận hành trên cả nước, liên doanh này cũng chuẩn bị kế hoạch mở rộng thêm khu công nghiệp mới lẫn hiện hữu; đồng thời phát triển các dự án bất động sản thương mại, khu dân cư.

Trong nhóm các doanh nghiệp khu công nghiệp đã công khai tài chính thì VSIP đang dẫn đầu về lợi nhuận, xếp trên cả những doanh nghiệp như Sonadezi, Becamex, Kinh Bắc…

Bứt phá công nghệ, đặt 'nền móng' đô thị thông minh cho Bình Dương
Khu VSIP I được lựa chọn là điểm đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Tôi cho rằng mối lương duyên Bình Dương và Singapore là đúng người, đúng thời điểm. Ngày nay, VSIP đã mở rộng trong phạm vi cả nước từ Nam ra Bắc trở thành mô hình kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác học tập vận dụng theo”, ông Thắng nhận xét.

Lần nữa, TS Thắng đánh giá thành công từ các khu công nghiệp do Becamex đầu tư tại Bình Dương có sức lan tỏa, tạo động lực và khích lệ rất lớn cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Bình Dương.

Từ đó đến nay, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với diện tích 12.600 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 2.926 dự án, trong đó có 654 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 72.400 tỷ đồng.

Tổng vốn đăng ký FDI vào Bình Dương giai đoạn 2017-2022
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhãn Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
FDI Tỷ USD 2.7 2.3 3.4 1.8 2.1 2.7
Tốc độ tăng GRDP % 9.27 8.51 10 6.91 2.79 8.29

Tính đến tháng 10/2022, Bình Dương đứng thứ hai cả nước (sau TP.HCM) về thu hút vốn FDI. Trong đó có 4.053 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,6 tỷ USD, chiếm hơn 9,3% tổng vốn FDI cả nước.

Cam kết lâu dài

Xuất phát điểm thấp hơn so với một số địa phương lân cận, nhưng Bình Dương đã bước đột phá ngoạn mục và trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp cả nước.

“Trong đó, ‘tầm’ của lãnh đạo Bình Dương là yếu tố then chốt dẫn đến sự thành công của tỉnh. Tư duy của những nhà lãnh đạo địa phương đã đóng vai trò quyết định thay đổi tầm nhìn chiến lược, tạo ra động lực mạnh mẽ cho cả hệ thống bên dưới chuyển động”, TS Trần Quang Thắng nhìn nhận.

Theo ông Thắng, năng lực của lãnh đạo Bình Dương được thể hiện qua việc tìm hiểu và nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chú trọng phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy phát triển kinh tế; thủ tục hành chính được cải cách triệt để, tinh gọn…

Bứt phá công nghệ, đặt 'nền móng' đô thị thông minh cho Bình Dương
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Mặc dù có một số lãnh đạo, cán bộ từng mắc khuyết điểm vừa qua, không thể phủ nhận lãnh đạo Bình Dương là những người có tầm nhìn, luôn khuyến khích đầu tư, đặc biệt là có sự cam kết lâu dài”, TS Thắng khẳng định sự nhất quán trong tư duy điều hành của nhiều thời kỳ lãnh đạo tỉnh cùng những chính sách có lợi cho nhà đầu tư đã giúp Bình Dương có môi trường kinh doanh thông thoáng nhất.

Song, trong bối cảnh xu thế toàn cầu đang diễn ra rất nhanh, TS Trần Quang Thắng cho rằng Bình Dương vẫn cần có sự chuẩn bị để đi nhanh, đi xa và vươn cao hơn.

Theo vị chuyên gia, trước làn sóng đầu tư vào Bình Dương ngày càng chất lượng, với các tên tuổi tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu, Bình Dương càng nên trở thành trung tâm đào tạo tay nghề có kỹ năng cao theo nhu cầu của các nhà đầu tư khó tính. Tỉnh cũng cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và quan hệ khách hàng quốc tế rộng lớn…

“Điều này đòi hỏi chính quyền lẫn nhà đầu tư có sự liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng cao”, TS Trần Quang Thắng gợi mở.

Tiếp cận đô thị thông minh

Là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước, các khu công nghiệp của Bình Dương chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp phía nam. Bình Dương cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Bình Dương cũng đang đối mặt với nhiều thách thức bởi các ngành công nghiệp sản xuất đang dần nâng cao yêu cầu, trong khi kinh tế Bình Dương vẫn còn dựa nhiều vào sản xuất truyền thống và thâm dụng lao động, hàm lượng tri thức của nhiều sản phẩm làm ra chưa cao.

Thực tế này đòi hỏi Bình Dương phải tìm ra hướng hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, chuyển sang giai đoạn đột phá, phát triển bền vững.

Bình Dương cần có sự chuẩn bị để đi nhanh, đi xa và vươn cao hơn.

TS Trần Quang Thắng

Với sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào lao động thay vì công nghệ đổi mới, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định điều này khiến Bình Dương chưa thể rút ngắn khoảng cách với nền kinh tế hiện đại trong nước và khu vực.

Điển hình, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào kinh tế tỉnh có tăng nhưng còn khiêm tốn. Từ 2013 đến nay, TFP chỉ đóng góp khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đó, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là vấn đề cấp thiết đặt ra cho sự phát triển bền vững của Bình Dương.

Mặt khác, chuyên gia cho rằng nền kinh tế Bình Dương còn dựa nhiều vào sản xuất truyền thống và thâm dụng lao động đã kéo theo bùng nổ dân số cơ học trên địa bàn. Tốc độ tăng của mật độ dân số Bình Dương cũng cao hơn trung bình cả nước 3-4 lần trong cùng khoảng thời gian.

“Việc bùng nổ dân số cơ học chủ yếu đến từ lao động nhập cư, tạo nên các thách thức về phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở hay quá tải dịch vụ công và cả tệ nạn xã hội”, theo GS Vinh.

Bứt phá công nghệ, đặt 'nền móng' đô thị thông minh cho Bình Dương
Các ngành công nghiệp tại Bình Dương vẫn còn dựa nhiều vào sản xuất truyền thống. Ảnh: Quỳnh Danh.

Song song với phát triển kinh tế – xã hội, GS Võ Xuân Vinh nhận định Bình Dương cũng đang phải đối mặt với các vấn đề từ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa và tài nguyên nước. Thống kê mỗi ngày ở Bình Dương, rác thải nhựa phát sinh là khoảng 1.600 tấn, đồng thời, Bình Dương cũng là tỉnh có lượng nước thải công nghiệp phát sinh nhiều thứ hai cả nước, chỉ sau TP.HCM.

Trước những thách thức này, ông nhìn nhận Bình Dương cần nghiên cứu phát triển mô hình đô thị thông minh với 3 trụ cột là chính quyền, con người và công nghệ. Trong đó, công nghệ sẽ là động lực tăng trưởng mới của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới. Còn con người đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự tăng trưởng và thành công đô thị thông qua phát triển nền giáo dục; xây dựng tính sáng tạo của người dân.

Bình Dương cần phát triển mô hình đô thị thông minh hướng đến 3 trụ cột là chính quyền, con người và công nghệ

GS.TS Võ Xuân Vinh

Đối với chính quyền, vị chuyên gia cho rằng Bình Dương cần một thể chế thông minh, có sự kết nối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp; thể chế này cho phép người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có sự tương tác minh bạch, trách nhiệm. Công dân được cấp quyền truy cập thông tin về các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Chính quyền sẽ thiết kế, phân phối các dịch vụ cần thiết, lập văn phòng hỗ trợ thông qua hệ thống quản trị điện tử. Đây sẽ là chìa khóa cho phép thành phố thông minh giữ quyết định và quy trình thực hiện minh bạch.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương cũng tích cực hợp tác với các bên đối tác nước ngoài phát triển đề án thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Nổi bật trong số đó là dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ Bình Dương, được tỉnh đặt triển vọng trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Từ nay đến năm 2030, Bình Dương đứng trước nhiều cơ hội đẩy nhanh công nghiệp hóa, đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, để có sự phát triển tốt để hòa nhập khu vực và thế giới, tỉnh Bình Dương cần nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo cơ chế đột phá tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, chuyển đổi số và ứng dụng sở hữu trí tuệ, phát triển thành phố thông minh.

Trước sự bùng nổ của khoa học – công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế – xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Thư Trần – zingnews.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bứt phá công nghệ, đặt ‘nền móng’ đô thị thông minh cho Bình Dươngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *