Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng ban hành công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo hướng khó khăn ở đâu giải quyết ở đó.
Gỡ khó cho doanh nghiệp lớn, dự án lớn
Tại dự thảo công điện Bộ Xây dựng vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ cho biết, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để trực tiếp giải đáp, hướng dẫn gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Tuy nhiên, thị trường còn những vướng mắc trong xác định giá đất, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng.
Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, chứng khoán của doanh nghiệp cũng gặp khó.
Đặc biệt, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn rất chậm.
Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cơ quan này đề xuất Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, dự án bất động sản để có giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của những doanh nghiệp lớn, dự án bất động sản lớn, nhất là dự án đang triển khai đầu tư dở dang, trong quý II/2023.
“Vướng” đâu giải quyết đấy
Trong quá trình làm việc với các địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng cần xác định rõ khó khăn ở đâu giải quyết ở đó; vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát các khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy trong các công trình xây dựng để đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30/6.
Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng trước ngày 30/5.
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44 năm 2014 quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất. Định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể áp dụng đối với trường hợp UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể, trình Chính phủ ban hành trong quý II/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước 30/5.
Bộ Tài chính kịp thời có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, bền vững; sớm hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, đề xuất kịp thời các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Chính phủ trước ngày 30/5.
Chủ tịch tỉnh không “đá bóng” lên trên, xử nghiêm việc né tránh
Bộ Xây dựng cũng trình Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, cơ quan trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan trung ương để né tránh trách nhiệm.
Bên cạnh đó, rà soát số dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn, phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ theo thẩm quyền.
Tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội, trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc gửi về tổ công tác trước ngày 30/5 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Cùng với đó, các địa phương thực hiện công bố, công khai trên cổng thông tin điện tử danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo chung cư cũ.
Cơ quan quản lý có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước về danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trước ngày 30/5.
Nguồn: https://vietnamnet.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng mạnh trước thời điểm Fed công bố quyết định lãi suất
- Kích thước Ảnh bìa, Avatar, Banner Zalo chuẩn nhất (Cập nhật 2020)
- Những điều cần biết về đau mắt đỏ
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13.3: Gửi tiền ở đâu lãi tốt nhất hiện nay
- Tỷ giá USD hôm nay 24/4: Đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm