Chiều ngày 4.6, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì. Biện pháp được kỳ vọng góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, giá xăng tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao. Để “chặn” đà tăng và giảm các tác động của giá thế giới, Quỹ Bình ổn giá đã được điều hành linh hoạt (giảm mức trích, tăng mức sử dụng), qua đó góp phần bình ổn giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Để tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Đồng bộ với đó là việc Bộ Công Thương đã có các giải pháp về đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý; đồng thời tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tiếp tục tăng.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 13 văn bản điều hành xăng dầu trong đó mặt hàng xăng là 10 lần tăng giá và 3 lần giảm giá; dầu điêzen có 10 lần tăng giá và 3 lần giảm; dầu hỏa có 9 lần tăng giá, 3 lần giảm và 1 lần giữ ổn định giá; dầu madut có 8 lần tăng giá, 3 lần giảm và 2 lần giữ ổn định giá.
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu xăng, ngày 3.6, Bộ Công Thương đã lên tiếng về thông tin “Giá chỉ 13.000 đồng/lít, Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam”. Bộ Công Thương cho biết, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Nếu không được Chính phủ trợ giá, giá xăng dầu của Malaysia sẽ tương đương giá xăng dầu tại Việt Nam nếu Việt Nam không đánh các loại thuế (nếu không được trợ giá và vẫn không áp các loại thuế, giá xăng RON95 tại Malaysia hiện sẽ là 0,87 USD/lít, trong khi giá tại Việt Nam nếu bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít).
Chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
- Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường
- Kỷ lục: Hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của dân đổ vào ngân hàng
- Sau một năm “ngấm đòn”, thị trường bất động sản phía Nam được dự báo khởi sắc vào năm 2024
- Những dấu hiệu khác biệt khi nhiễm Omicron và Delta