Phóng viên: Xin ông cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc sau gần 3 tháng triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy?
Trung tướng Tô Ân Xô:
Việc triển khai Luật Cư trú năm 2020 về quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy có những thuận lợi là cơ bản là: Có sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đồng thời các giải pháp tuyên truyền đã được thực hiện sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Các quy định pháp luật về sử dụng Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được rà soát, bãi bỏ, nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 21/12/2022, sửa đổi 19 Nghị định có liên quan đến vấn đề này. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện và được bổ sung cập nhật hàng ngày; căn cước công dân gắn chíp điện tử đã được cấp cho hơn 79,4 triệu công dân đủ điều kiện, ngoài ra đã phê duyệt 21,5 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân, đây là những “công cụ” để người dân không cần phải xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy.
Tuy nhiên, việc không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy là vấn đề hoàn toàn mới. Do đó, việc triển khai bước đầu còn một số khó khăn như: Cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin của một số bộ, ngành, địa phương thiếu đồng bộ, một số nơi chưa thể kết nối, hoặc kết nối không ổn định với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu thông tin; việc chuyển đổi nhận thức, hành động của cán bộ thực hiện thủ tục hành chính và của cả người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận cái mới cần có thời gian để thích nghi, hoàn thiện…
Phóng viên: Vừa qua, một số người dân phản ánh gặp khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính, vẫn phải xin xác nhận cư trú dù đã có Căn cước công dân gắn chíp. Vậy Bộ Công an đã có chỉ đạo, giải pháp gì để tháo gỡ cho người dân?
Trung tướng Tô Ân Xô:
Qua gần 3 tháng thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy cho thấy những thuận lợi là cơ bản, người dân không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, tiết kiệm được thời gian, công sức rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, “những bước đi đầu tiên” bao giờ cũng sẽ có những khó khăn nhất định; với số lượng giao dịch rất lớn hàng ngày với hàng trăm nghìn lượt thì không thể tránh khỏi một số vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Mặc dù số lượng vướng mắc không nhiều nhưng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, như một vài bài báo đã phản ánh thời gian qua.
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt thực hiện nghiêm quy định không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế về hạ tầng, hệ thống thông tin để tra cứu thông tin. Đồng thời, Bộ Công an chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh hoàn thiện các “công cụ” để thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, nhất là duy trì thường xuyên việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp căn cước và tài khoản định danh điện tử cho công dân, sẵn sàng phục vụ cao nhất các yêu cầu tra cứu của các bộ, ngành, địa phương.
Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công an, tăng cường tuyên truyền về triển khai thực hiện Đề án 06 nói chung, các quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nói riêng để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện
Phóng viên: Với vai trò là cơ quan thường trực và đi đầu thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã triển khai những công việc gì góp phần đổi mới, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy và đạt kết quả ra sao, thưa ông?
Trung tướng Tô Ân Xô:
Với vai trò là cơ quan thường trực và đi đầu trong thực hiện Đề án 06, Bộ Công an đã triển nhiều nội dung để đổi mới, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là việc đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Trong đó, đến nay 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử; riêng Bộ Công an đã đưa toàn bộ 227/227 dịch vụ công thực hiện trên môi trường điện tử với tinh thần cải cách triệt để, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, nhiều thủ tục hành chính trước đây tưởng chừng như không thể thực hiện được qua mạng, nay đã thực hiện được mang lại tiện lợi lớn như: thủ tục cấp hộ chiếu, đăng ký xe…
Việc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính đã góp phần tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn khi người dân không phải sao y nhiều loại giấy tờ, cơ quan Nhà nước không phải lưu trữ, người dân có thể thực hiện thủ tục qua mạng ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, đồng thời cũng bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng phiền hà, sách nhiễu, hay còn gọi là “tham nhũng vặt” trong thực hiện thủ tục hành chính.
Phóng viên: Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đặt ra yêu cầu về liên thông kết nối dữ liệu giữa các ngành. Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian tới đối với công tác này?
Trung tướng Tô Ân Xô:
Để bảo đảm thực hiện tốt quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy thì yêu cầu liên thông kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Về phía Bộ Công an, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và luôn sẵn sàng các điều kiện để kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đến nay đã kết nối với 13 bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước; 03 doanh nghiệp viễn thông; 61 địa phương phục vụ tốt các yêu cầu công tác.
Tuy nhiên, do hệ thống công nghệ thông tin tại nhiều nơi được đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn; một số dữ liệu chuyên ngành chưa được hoàn thiện… nên chưa liên thông được toàn bộ các dữ liệu. Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ người dân; Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, bảo đảm hạ tầng, hệ thống công nghệ để kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://baophapluat.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Top 17 phần mềm ghép video online nhanh và miễn phí (Update 2021)
- Hai kẻ cướp ngân hàng đâm bảo vệ tử vong bị khởi tố
- NHNN bổ nhiệm lãnh đạo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Vụ thanh toán
- Cách xóa trang (fanpage) trên Facebook nhanh nhất 2021
- Thanh khoản “tụt áp” từ ngưỡng tỷ USD về dưới 15.000 tỷ đồng, chuyện gì đang xảy ra?