Việc chậm triển khai dự án bất động sản không những gây tổn thất kinh tế cho chủ đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch.
Trong những năm qua, việc phát triển dự án nhà ở thương mại góp phần cung cấp kịp thời diện tích sàn nhà ở cần thiết cho người dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chính sách thắt chặt tín dụng, sự thay đổi về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản… Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án bất động sản, một số chủ đầu tư gặp khó về các thủ tục pháp lý, dẫn đến việc triển khai dự án không đúng tiến độ đã được phê duyệt…
Theo thông tin trên báo Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 28 dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, TP.Thủ Dầu Một có 6 dự án; TP.Thuận An có 10 dự án; TP.Dĩ An có 6 dự án; TP.Tân Uyên có 2 dự án; thị xã Bến Cát có 2 dự án; huyện Bàu Bàng có 2 dự án.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc nói trên, về mặt chủ quan, theo Sở Xây dựng, do một số chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm nên đã không thể vượt qua được những thách thức trên thị trường bất động sản. Cùng với đó, chủ đầu tư một số dự án huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép huy động vốn, không thực hiện đúng thỏa thuận với người mua, kéo dài thời gian dẫn đến khiếu nại và tập trung đông người gây mất an ninh trật tự.
Trong khi đó, một số dự án đã bồi thường gần hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng theo quy hoạch được duyệt và cố tình kéo dài việc đầu tư, hoặc đầu tư hình thức san nền rồi để đó, hoặc đầu tư một phần do chưa giải tỏa được phần diện tích đất để đầu tư hạ tầng.
Một số dự án hoàn thiện 70 – 80% nhưng việc quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, xây dựng không theo quy chế, không đúng quy hoạch được phê duyệt, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng đến tổng thể mỹ quan của toàn bộ dự án; cùng với đó, chưa thiết lập quy chế quản lý, chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã nhận chuyển nhượng, chưa đủ điều kiện bàn giao cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý…
Trước tình trạng nói trên, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản theo Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 và thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 17/2/2023 của UBND tỉnh.
Tiếp đó, ngày 26/6/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1586/QĐ-UBND kiện toàn Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và trong triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh đến doanh nghiệp; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, hệ thống báo cáo trực tuyến; thường xuyên liên lạc qua điện thoại, Zalo hoặc qua email với doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản.
Người: https://nguoiquansat.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế
- Arcadia: Đây là thời điểm tốt nhất để mua nhà ở trong 7 năm qua
- Không thể vì những bất cập mà bóp nghẹt thị trường nợ tư nhân
- Thị trường bất động sản khởi đầu “nhịp” mới
- Chính sách tiền tệ FED sẽ duy trì trong 3 tháng cuối năm