Bình Dương thông tin về việc di dời hàng nghìn doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ

83 lượt xem - Posted on
Để phục vụ việc di dời doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 8 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.842 ha và 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.743 ha.

Chiều 15/5, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã họp báo công bố thông tin liên quan đến kế hoạch di dời doanh nghiệp trong khu dân cư vào các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN).

Sở Công Thương cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN tỉnh Bình Dương. Thời gian thực hiện từ năm 2020-2030.

Theo Sở Công Thương, số lượng doanh nghiệp phải di dời, chuyển đổi công năng 2.900 nhà máy theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210 ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Do quá trình phát triển, những năm qua đã có nhiều nhà máy xí nghiệp tự chuyển đổi công năng, di dời và đổi mới công nghệ. Do đó, cần xem xét, đánh giá lại một cách chi tiết, cụ thể, phù hợp với tình hình hiện nay. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh Bình Dương là trong thành phố thì vẫn có doanh nghiệp được phép hoạt động sản xuất công nghiệp và việc hoạt động sản xuất phải đảm bảo yêu cầu về quy hoạch phát triển của tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Bình Dương thông tin về việc di dời hàng nghìn doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ ảnh 1
Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn chủ trì buổi họp báo

Về địa điểm doanh nghiệp sẽ di dời đến, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, hiện nay, tỉnh đã quy hoạch 8 KCN phục vụ di dời, tổng diện tích khoảng 5.842 ha, gồm các KCN: Cây Trường, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Bắc Tân Uyên 4, Dầu Tiếng 1A, Dầu Tiếng 5 và Phú Giáo 4,

Bên cạnh đó, Bình Dương đã quy hoạch 25 CCN phục vụ di dời với tổng diện tích khoảng 1.743 ha, tại các huyện Dầu Tiếng (10 cụm, 725ha), Bắc Tân Uyên (7 cụm, 493,5 ha), Phú Giáo (8 cụm, 524,46 ha).

Về việc sử dụng mặt bằng các doanh nghiệp đã di dời, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công năng, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh.

Sở Công Thương Bình Dương cũng cho biết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động sẽ được xây dựng cụ thể, rõ đối tượng, nội dung thụ hưởng linh hoạt, sát tình hình thực tế để đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

Bình Dương thông tin về việc di dời hàng nghìn doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ ảnh 2
Đại diện Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết, doanh nghiệp trong lĩnh vực đồng thuận kế hoạch di dời và mong muốn tỉnh có những chính sách phù hợp cho cả doanh nghiệp và người lao động

Dự kiến sẽ có 12 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm:

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh; Chính sách bố trí quỹ đất phù hợp để phục vụ di dời; Chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính; Chính sách vay ưu đãi hỗ trợ đầu tư mới; Chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở; Chính sách tạo quỹ đất sạch hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng; Chính sách hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; Chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới đối với các doanh nghiệp di dời, thông qua việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng KCN/CCN và có cam kết của chủ đầu tư về phục vụ di dời, ưu đãi giá thuê đất, thuê nhà xưởng cho doanh nghiệp di dời.

Về chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian phải ngừng việc do di dời: hỗ trợ tiền lương mỗi tháng ngừng việc (áp dụng mức lương tổi thiểu vùng theo quy định hiện hành tại thời điểm hỗ trợ); tỷ lệ tiền lương cho mỗi tháng ngừng việc sẽ căn cứ theo thời gian làm việc của người lao động.

Chính sách đào tạo nghề dành cho người lao đông: Đề xuất chính sách theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ (bổ sung đối tượng người lao động bị ảnh hưởng do di dời doanh nghiệp); nâng mức hỗ trợ đào tạo. Trong kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ xin chủ trương chính sách nào ưu tiên thực hiện trước.

Về lộ trình thực hiện di dời, chuyển đổi công năng, Sở Công Thương cho biết, sẽ di dời các doanh nghiệp trong KCN Bình Đường trong năm sau và một số doanh nghiệp tự nguyện đăng ký di dời, chuyển đổi công năng.

Sau khi thí điểm thực hiện sẽ tổng kết kinh nghiệm. Sau đó, sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp theo lộ trình.

Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Khu vực phía Nam của tỉnh sẽ không cấp phép mới cho doanh nghiệp hoạt động. Đối với doanh nghiệp cũ đang hoạt động sẽ được tiếp tục gia hạn 5 năm để có thời gian chuẩn bị trước khi di dời”.

Nguồn: https://tienphong.vn/

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bình Dương thông tin về việc di dời hàng nghìn doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *