Bình Dương muốn làm đường sắt kết nối với Vũng Tàu

139 lượt xem - Posted on
Tuyến đường sắt từ Bình Dương kết nối với Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có thể giúp giảm áp lực về giao thông, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Ngày 12-7, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.

Quyết tâm thực hiện dự án

Theo ông Minh, dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An sẽ kết nối với tuyến đường sắt từ TP Dĩ An đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) và kết nối với điểm cuối là cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiện tại, các ngành của tỉnh Bình Dương bắt đầu triển khai thuê đơn vị tư vấn.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã có kế hoạch thực hiện dự án đường sắt Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Bộ này cũng đã bổ sung phương án hướng tuyến đường sắt từ TP Dĩ An (ga Dĩ An) – nút giao Phước Tân với đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Biên Hòa (Đồng Nai) – Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Như vậy, với kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An thì Bình Dương sẽ kết nối với tuyến đường sắt mà Bộ GTVT đang thực hiện” – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giải thích.

Cũng theo ông Minh, UBND tỉnh Bình Dương đang kiến nghị UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu ủng hộ phương án kéo dài dự án tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu về đến ga An Bình.

“Để dự án này có thể thực hiện được thì cần nhiều thời gian. Nhưng để Bình Dương và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có thể kết nối liên thông, thúc đẩy kinh tế phát triển thì Bình Dương coi đây là một công trình giao thông kết nối vùng trọng điểm và quyết tâm thực hiện dự án này” – ông Minh cho biết.

Nên làm sớm

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết hiện nay Bình Dương mới chỉ có phương thức vận chuyển giao thông đường bộ và đường sông nhưng chủ yếu là đường bộ, còn đường sông thì còn yếu.

Bên cạnh đó, Bình Dương có nhiều khu, cụm công nghiệp nên áp lực về vận chuyển hàng hóa rất lớn. Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Chính vì thế, tỉnh đề xuất làm tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ huyện Bàu Bàng kết nối đi cảng Cái Mép – Thị Vải. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Sau khi lập báo cáo tiền khả thi, Bình Dương sẽ kêu gọi đầu tư từ trong nước hoặc quốc tế.

“Nếu thực hiện được dự án này sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn đối với Bình Dương. Ngoài ra, về liên kết vùng sẽ giảm áp lực về giao thông, tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông khi hàng hóa được vận chuyển riêng theo tuyến đường sắt này. Hơn nữa, tuyến đường sắt còn có thể giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đặc biệt là thu hút thêm đầu tư” – ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.

Theo quyết định Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, ngành đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện có, nối thông tuyến liên vận quốc tế; chuẩn bị đầu tư và thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến mới, trong đó ưu tiên đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo đó, bên cạnh bảy tuyến hiện có dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 có thêm chín tuyến mới, tổng chiều dài 2.362 km.

Ngành đường sắt đặt mục tiêu đến năm 2030 vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, với thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 460 triệu khách, với thị phần khoảng 4,40%.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, nhấn mạnh: “Theo tôi, việc tỉnh Bình Dương đề xuất làm tuyến đường sắt kết nối với cảng Cái Mép – Thị Vải là rất hợp lý và cần làm ngay”.

Ông Trình cho rằng sau này tuyến đường sắt trên cũng có thể sẽ kết nối đường sắt Bắc – Nam và nối cả với tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để tạo thành mạng lưới vận chuyển hàng hóa.

“Hiện nay, ở phía Nam rất thiếu các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa. Bình Dương là địa phương đầu tiên muốn đi trước về việc này, để vận chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải về Bình Dương và ngược lại” – ông Trình nói.

Theo ông Trình, việc dùng đường sắt vận chuyển hàng hóa được nước ngoài (như Mỹ) áp dụng từ lâu với cả các toa đường sắt chở các container hàng dài, thay vì đi đường bộ tốn kém như nước ta.

“Chúng tôi cũng từng nêu ý kiến rất nhiều về việc TP.HCM nói riêng và vùng phía Nam nói chung nên có những tuyến đường sắt vào thẳng các cảng để vận chuyển hàng hóa. Còn việc huy động vốn đầu tư thì chúng ta có thể vận dụng các phương thức xã hội hóa hay đối tác công tư (PPP) như BOT, BT…” – ông Trình phân tích.•

Mức đầu tư dự kiến gần 35.000 tỉ đồng

Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, tổng chiều dài tuyến đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép – Thị Vải khoảng hơn 125 km. Tuyến này sẽ kết nối Bình Dương – Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong đó, đoạn từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An (Bình Dương) dài hơn 41 km; đoạn từ TP Dĩ An (Bình Dương) đến nút giao Phước Tân (Đồng Nai) khoảng hơn 19 km; đoạn từ nút giao Phước Tân (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 42,2 km. Dự kiến đoạn đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỉ đồng.

Ngoài tuyến đường sắt trên, Bình Dương cũng đang định hướng nghiên cứu tuyến đường sắt từ huyện Bàu Bàng đi tỉnh Tây Ninh, để qua cửa khẩu Mộc Bài.

“Nếu làm được tuyến đường sắt này thì sẽ liên thông với cảng Cái Mép – Thị Vải, kết nối liên vận đến quốc tế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa” – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho hay.

Nguồn: https://plo.vn

Bạn đang xem Bình Dương muốn làm đường sắt kết nối với Vũng Tàutrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *