Bình Dương định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

227 lượt xem - Posted on

Định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bình Dương thực hiện chiến lược phân vùng phát triển. Địa phương này sẽ di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư, không để xảy ra tình trạng “khu ổ chuột” trong lòng đô thị. Đến năm 2025 xóa các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông.

Ngày 16/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, theo quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho hay, mục tiêu của Bình Dương về tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 15.700 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2031-2050 khoảng 5,5 – 6%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 31.300 USD, trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50% GRDP.

Để hoàn thành được sứ mệnh, Bình Dương nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng: Khu vực phía Nam gồm TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TPHCM, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng.

Bình Dương định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Trung tâm thành phố mới Bình Dương

Bình Dương đầu tư hạ tầng nhà ở, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế, giao thông công cộng tiện lợi kết nối TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và trung tâm thành phố mới Bình Dương, TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát, huyện Bàu Bàng là “thỏi nam châm” để thu hút người dân về sinh sống, là công cụ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vật lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực trung tâm và các địa bàn phía Bắc của tỉnh.

Tổng cục thống kê mới đây vừa công bố, trong 63 tỉnh, thành, Bình Dương là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2021 với 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020.

Khu vực trung tâm Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, TX Bến Cát, TP Tân Uyên) với hạt nhân là “trung tâm thành phố mới Bình Dương” tiếp tục quy hoạch để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh Bình Dương.

Các địa phương phía Bắc (TX Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, huyện Bắc Tân Uyên) còn dư địa khá lớn về đất đai, phối hợp quy hoạch để chuẩn bị bất động sản công nghiệp hình thành, tạo lập vành đai công nghiệp; là trung tâm kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra. Khu vực này định hướng trở thành một cực phát triển mới hình thành Khu liên hợp Văn hóa – Thể dục – Thể thao – Y tế – Giáo dục tầm cỡ khu vực để hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam bộ.

Bình Dương định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Bình Dương sẽ di dời các doanh nghiệp, nhà máy trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương, giai đoạn 2022-2030, Bình Dương sẽ tập trung phát triển được 10.000ha công nghiệp tạo thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng, trên địa bàn các huyện, thị phía Bắc, vừa tiếp tục phát triển công nghiệp vừa là nơi dịch chuyển các doanh nghiệp phía Nam (khoảng 2.888 doanh nghiệp cần phải di dời lên phía Bắc) hoặc tái cấu trúc lại và dư ra khoảng 2.000ha để phát triển đô thị, dịch vụ của TP Thuận An và TP Dĩ An trở thành trung tâm đô thị tầm cỡ khu vực.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bình Dương sẽ di dời được 30% – 40% các doanh nghiệp sản xuất ở phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc. Từ đó hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 30% doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sang tự động hóa.

Về phát triển đô thị, Bình Dương hướng đến đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nơi đáng sống, không để hình thành khu “ổ chuột” trong lòng đô thị. Đến năm 2025 xóa đi các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, địa phương đang có chủ trương di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam đến phía Bắc của tỉnh. Tỉnh dành 10% quỹ đất khu công nghiệp phía Bắc và quy hoạch các cụm công nghiệp để các doanh nghiệp có thể chuyển đến tái cơ cấu sản xuất. Trong tháng 6/2023, UBND tỉnh Bình Dương sẽ trình HĐND tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Nguồn: https://tienphong.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bình Dương định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ươngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *