Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Bình Dương tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó lĩnh vực dịch vụ tăng 5,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%, công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%.
UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại họp báo, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. UBND tỉnh đã sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022 nên đã tập trung chỉ đạo, làm việc với các sở, ngành, địa phương để quán triệt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Quang cảnh buổi họp báo thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương 6 tháng đầu năm 2023. |
Phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng; ký kết hợp tác thỏa thuận giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và Tổ giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản thường xuyên lắng nghe nhiều chiều, chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết, chăm lo các đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, trong số 35 chỉ tiêu như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người… đến nay đã có 19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm.
Tổng thu ngân sách đạt 31.715 tỷ đồng, đạt 43% dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua và đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 92% so với cùng kỳ, trong đó: thu nội địa 23.942 tỷ đồng, đạt 50% dự toán HĐND, tăng 01% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 7.773 tỷ đồng, đạt 38% dự toán, bằng 72% cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 7.584 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 46,3%.
Về lĩnh vực tín dụng, các tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản suất kinh doanh. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm dần. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 277 ngàn tỷ đồng, tăng 0,2% so với đầu năm và giảm 0,9% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay ước đạt 296 ngàn tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm và tăng 5,8% so với cùng kỳ. Nợ xấu là 3.300 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng dư nợ.
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ở một số ngành đạt mức tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.
Tại khu, cụm công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn 994 tỷ đồng (bằng 46,5% so với cùng kỳ), các khu công nghiệp đã cho thuê 31ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài 382 triệu USD (chiếm 72% cả tỉnh). Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 998 triệu USD, doanh thu đạt 18,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD (chiếm 78,1% cả tỉnh).
Ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 151.240 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu – nhập khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,1 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 10,8 tỷ USD, giảm 14,7%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; một số loại trái cây đặc sản của tỉnh đang vào vụ thu hoạch với sản lượng khá và giá cả tương đối ổn định; cập nhật và quản lý tốt các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số. Tính đến ngày 01/4 (so với cùng kỳ), tổng đàn heo tăng 2%, gia cầm tăng 8,8%. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Làng thông minh tại xã Bạch Đằng (TP. Tân Uyên) và triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; phê duyệt kết quả sản phẩm OCOP tỉnh với 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 39 sản phẩm đạt 3 sao.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư trong nước, tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã thu hút 41.617 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 1,8% so với cùng kỳ), gồm 3.156 doanh nghiệp đăng ký mới (24.813 tỷ đồng) và 891 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn (21.565 tỷ đồng); có 51 doanh nghiệp giảm vốn (2.260 tỷ đồng) và 326 doanh nghiệp giải thể (2.519 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.603 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 672 ngàn tỷ đồng.
Còn ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh đã thu hút 967 triệu USD (bằng 38% so với cùng kỳ, đạt 53,7% kế hoạch năm), gồm 45 dự án mới (361 triệu USD), 20 dự án điều chỉnh tăng vốn (71 triệu USD), 70 dự án góp vốn (545 triệu USD), có 02 dự án giảm vốn (10 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.121 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Bình dương có 27 tổ hợp tác được thành lập với vốn điều lệ là 48 tỷ đồng. Song song đó, trên địa bàn tỉnh còn có 04 hợp tác xã được thành lập với vốn điều lệ là 11 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 216 tổ hợp tác và 231 hợp tác xã.
Trước những khó khăn, thách thức, trong 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào các công tác quan trọng như: Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; Tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Tập trung điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc. Chủ động theo dõi tình hình thời tiết; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới.
Có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 12/2023; lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2022 – 2025); tổ chức đấu giá một số khu đất đủ điều kiện và khẩn trương định giá đất đối với các dự án đủ điều kiện để tăng thu ngân sách, đảm bảo nguồn phục vụ các nhiệm vụ chi đầu tư; xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tổ chức đấu giá một số khu đất đủ điều kiện và khẩn trương định giá đất đối với các dự án đủ điều kiện để tăng thu ngân sách, đảm bảo nguồn phục vụ các nhiệm vụ chi đầu tư; xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, Bệnh viện đa khoa 1.500 giường trong năm 2023; hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, khởi công đường Vành đai 4 và cảng An Tây, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành (khởi công trong quý I/2024), đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, trường Chính trị …
Theo vnbusiness.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Tiền vào chứng khoán nhỏ giọt, điều gì đang diễn ra?
- Hướng dẫn cách đăng ký, tạo tài khoản Steam cho người mới 2021
- Lãi suất cho vay liên tục giảm: Tăng trưởng tín dụng có thoát đáy?
- Cân đối lại cấu trúc nguồn vốn, gỡ chốt chặn cho thị trường bất động sản
- Thói quen “xả hàng” sau Tết của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam