Bất động sản mới nhất: 10 năm, giá địa ốc tăng hàng chục lần; tỷ suất sinh lợi hấp dẫn, thị trường hút vốn ngoại

96 lượt xem - Posted on

Nguyên nhân khiến giá địa ốc tăng không ngừng, ‘giải cơn khát’ nhà ở xã hội tại Hà Nội, Thanh Hóa bãi bỏ quyết định lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bất động sản mới nhất....
Bất động sản là sản phẩm có tính “nội địa” cao nên tốc độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào thị trường từng khu vực và cán cân cung – cầu. (Nguồn: Báo XD)

Lý do BĐS tăng giá không ngừng

Báo cáo thị trường BĐS mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam công bố cho thấy, những thông tin đáng chú ý về mức tăng giá của BĐS. Theo đó, chỉ trong khoảng 10 năm qua, giá BĐS tăng hàng chục lần. Tính riêng năm 2021, giá BĐS tăng trưởng bình quân 2 chữ số, gấp nhiều lần so với cùng kỳ trước đó.

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, các nguyên nhân khiến BĐS tăng giá không ngừng trong chục năm qua là lạm phát cao, lãi suất thấp và thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt, đà tăng giá liên tiếp của BĐS là thực tế không thể phủ nhận.

Cụ thể, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đến thời điểm hiện tại, đà tăng đã và đang có sự phân hoá sâu sắc khi mức tăng vẫn đi lên với 1 số phân khúc, nhưng ở một số phân khúc, mức tăng đã ngừng lại và giá bắt đầu quay đầu giảm.

Trong khi đó, số liệu từ báo cáo thị trường BĐS quý III/2023 của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận thực tế này khi cho biết mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý III tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.

Đất công nghiệp tại các thành phố thu hút mạnh FDI như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… đạt mức giá thuê trung bình 3,2-3,4 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, khi mức giá thuê dao động 2,3-2,7 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thị trường hiện tại, tùy từng phân khúc, thị trường với sự khác biệt trong cán cân cung cầu mà mức tăng hay giảm ở giá bán và thanh khoản là khác nhau.

Đáng chú ý, các động lực tăng trưởng của thị trường BĐS Việt Nam rất lớn, đến từ quá trình đô thị hoá đi cùng với hạ tầng phát triển, tốc độ gia tăng dân số mạnh kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, do đó, về dài hạn, giá BĐS sẽ vẫn ghi nhận xu hướng đi lên, dù hiện tại có thể đang chững lại vì những khó khăn nhất định.

Còn theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều nằm ở các quận, huyện cách xa trung tâm, nơi quỹ đất vẫn dồi dào và cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai.

Bên cạnh đó, BĐS là sản phẩm có tính “nội địa” cao nên tốc độ tăng giá sẽ phụ thuộc vào thị trường từng khu vực và cán cân cung – cầu.

Thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục hút vốn ngoại

Sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực; các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển…

Đây là nhận định vừa công bố của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của khối ngoại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, số liệu giao dịch năm 2023 cho thấy các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua và đầu tư BĐS, trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch.

Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: “Trong một chuỗi sự kiện đầu tư mà Cushman & Wakefield đã tổ chức đầu năm nay, qua khảo sát với các khách hàng rộng khắp châu Á Thái Bình Dương về thị trường mà họ đang quan tâm nhất, đa số các phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam”.

Theo bà Trang Bùi, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư.

Đi vào phân tích cụ thể hơn, các chuyên gia của Cushman & Wakefield cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục lọt vào ‘tầm ngắm’ của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thị trường BĐS Việt Nam; trong đó, đáng chú ý là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực BĐS nói riêng cũng được ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Tuy tình hình nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng từ đầu năm 2023 đến nay còn gặp nhiều thách thức, song các giao dịch đầu tư và M&A BĐS vẫn diễn ra.

Tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A BĐS ước tính trong 9 tháng năm 2023 đạt 729 triệu USD, giảm 33% do thiếu thương vụ có giá trị lớn so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia của Cushman & Wakefield, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Qua 9 tháng năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A BĐS đạt khoảng 4,2 tỷ USD; trong đó, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượng 46% và 28%. Điều này cho thấy, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu “an cư, lạc nghiệp”.

Nguồn baoquocte.vn

Bạn đang xem Bất động sản mới nhất: 10 năm, giá địa ốc tăng hàng chục lần; tỷ suất sinh lợi hấp dẫn, thị trường hút vốn ngoạitrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *