Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 13-10, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. 

Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 115,1 độ Kinh Đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/giờ.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão hướng vào từ Quảng Trị - Phú Yên - Ảnh 1.

Vị trí và dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo trong 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5 km/giờ, có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 15-10, áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc, 110,1 độ kinh đông. Cường độ gió cấp 8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Khu vực chịu ảnh hưởng: Giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Từ 48 đến 72 giờ tới, dự báo bão di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng suy yếu dần.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên có gió mạnh, nước dâng, sóng lớn, trên biển; mưa lớn trên đất liền

Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận gió Đông Bắc đến Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động.

Khu vực giữa Biển Đông sóng biển cao từ 3-5 m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), sóng biển cao 4-6 m; vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sóng biển cao từ 2-4 m.

Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4 m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.

Miền Trung, Tây Nguyên mưa lớn trên diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối 13 đến ngày 16-10, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên bước vào đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa phổ biến 200-500 mm, có nơi trên 600 mm.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng vùng trũng, thấp ở các khu vực trên. Đồng thời, người dân đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét và gió giật mạnh. Theo quan trắc của cơ quan khí tượng cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (90-95%).

Trong 12 giờ tới, người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại nhiều nơi từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Trung đang đối mặt với những đợt mưa lớn dồn dập. Trước khi hứng tiếp đợt mưa từ ngày 13 tới 16-10, một số nơi từ Quảng Bình đến Bình Định trải qua 3 ngày mưa liên tục với tổng lượng nhiều nơi trên 500 mm.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy mưa lũ kéo dài trong ngày 9 đến 11-10 ở Quảng Nam đã khiến 2 người chết, một người mất tích.

Địa phương này cũng ghi nhận 7.450 ngôi nhà ngập sâu 0,5-1,2 m và 15 điểm ngập trên các tuyến quốc lộ; trong đó có tới 7.000 ngôi nhà ở thành phố Hội An và 450 ngôi nhà ở thị xã Điện Bàn.

Về thiệt hại ở một số địa phương khác như TP Đà Nẵng có 185 nhà ngập, Quảng Bình ghi nhận 4 điểm ngập trên quốc lộ và tỉnh lộ.

Theo https://nld.com.vn/thoi-su/ap-thap-nhiet-doi-kha-nang-manh-len-thanh-bao-huong-vao-tu-quang-tri-phu-yen-20221013112400178.htm