Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh
Sáng 3-8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước năm 2022. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở ngành, hiệp hội ngành hàng, DN đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, mạnh dạn chuyển đổi số, bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu để hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉnh quan tâm sâu sát đến các vấn đề trọng tâm như đầu tư công, thu hút đầu tư. Đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Bình Dương tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến 15-7-2022, tỉnh thu hút được 2,54 tỷ đô la Mỹ, tăng 74% so với cùng kỳnăm 2021.
Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 2, từ phải qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi cùng đại diện doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: TIỂU MY
Tại hội nghị, cộng đồng DN nêu một số khó khăn, vướng mắc, mong muốn được tháo gỡ để giữ vững sản xuất và phát triển. Đại diện DN cũng đóng góp ý kiến về cải cách hành chính, giao thông, vốn, phát triển khoa học công nghệ, thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu, quy định thời gian di dời vào các khu cụm… để Bình Dương phát triển bền vững hơn. Cụ thể, bước vào quý III-2022, các DN gặp rất nhiều khó khăn do những bất ổn về tình hình chính trị và kinh tế của thế giới. Đến nay, ngành gỗ đã giảm 40% đơn hàng, ngành giày da, dệt may, gốm sứ giảm 20% đơn hàng. Để vượt qua khó khăn thách thức, các DN, hiệp hội ngành hàng quyết liệt hành động, chuyển đổi mặt hàng, kéo giãn thời gian tăng ca, chia sẻ với người lao động. Các DN cho biết đang cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức bằng nhiều giải pháp và mong muốn các cấp, các ngành cùng chia sẻ những khó khăn, tạo điều kiên thuận lợi để DN thích ứng và tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho biết kể từ quý III-2022, tình hình của các DN gặp phải rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xung đột ở một số quốc gia, suy thoái kinh tế trên thế giới. Để vượt qua khó khăn, các DN rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm theo hướng liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành, Quốc lộ 13… “Hiện nay tâm lý e dè trong việc giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính của các sở, ngành chức năng do khoảng cách đúng sai trong các quy định của pháp luật gần nhau, khiến các DN khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục hành chính. Mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khi gặp vấn đề khó khăn cần ngồi lại với DN để tìm ra lối mở, hỗ trợ các DN có thể sớm giải quyết được các vấn đề nội tại, thích ứng tốt trong bối cảnh hiện nay”, ông Mai Hữu Tín nêu.
Tìm hướng đi để khai mở cơ hội
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Hữu Tín cho rằng tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có thể thấy hiện nay Bình Dương đã và đang là điểm đến sáng của dòng vốn đầu tư quốc tế. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho các DN trong chuỗi cung ứng hàng hóa ngay tại địa phương. Thêm vào đó, dòng vốn này cũng tạo ra những cơ hội lớn để các DN trở thành đối tác của họ khi nâng tầm được công nghệ, quản trị và phát triển lao động. Đây thực sự là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh biến động như hiện nay mà các DN trong nước cần quyết liệt hành động để nắm bắt và phát triển.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình phát biểu tại hội nghị
Với kinh nghiệm của một DN tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, cho biết bức tranh không sáng sủa của kinh tế quý II vừa qua chỉ là tạm thời. “Trong họa có phúc”, trong khó khăn ắt có những hướng đi riêng để vượt qua, nắm bắt kỹ quy luật để tồn tại và phát triển. Chuỗi cung ứng toàn cầu không dừng lại mà còn mở ra những hướng đi khác khi chúng ta biết nắm bắt cơ hội. “Hiện nay, chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khoảng 50% để đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Và đây chính là cơ hội cho các DN Bình Dương đón nhận các đơn hàng lớn. Những khó khăn, bế tắc chỉ là tạm thời. Chính quyền Bình Dương cần có kế hoạch dài hạn như thúc đẩy xây dựng các trung tâm triển lãm, trưng bày nguyên phụ liệu, đào tạo lao động, chuẩn bị hạ tầng, xây dựng nhà ở xã hội, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi… Tất cả nhằm “lót tổ” đón chuỗi cung ứng dịch chuyển”, ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng có các cuộc gặp gỡ chuyên sâu với các hiệp hội ngành hàng, DN, nắm lại cụ thể khó khăn, vướng mắc, phối hợp giải quyết các vấn đề về lao động, an sinh xã hội… tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất, phát triển theo đúng định hướng. Tỉnh sẽ nỗ lực tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường huyết mạch, kết nối; quy hoạch phát triển vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ theo hướng bền vững.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Bloomberg: Fed sắp tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm
- Mua đất phân lô xây dựng nhà để bán lại
- Video: Khoảnh khắc nữ sinh đột ngột băng qua đường, gây tai nạn liên hoàn
- Ấm lòng chợ Tết nhân ái, mua cả xe hàng không mất tiền
- Góc nhìn CTCK: Đà giảm còn tiếp diễn, VN-Index có khả năng lùi về 1.000 điểm