“Từ hội nghị cấp cao đặc biệt dưới thời Tổng thống Biden, tôi cho rằng không chỉ thúc đẩy quan hệ Mỹ – ASEAN mà còn tạo đà mới cho quan hệ Việt – Mỹ phát triển chiều sâu, nâng tầm, thực chất hơn nữa”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh – nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ – cho PV Dân trí biết như vậy, khi trao đổi về chuyến thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp tới.
Đại sứ Phạm Quang Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM ASEAN) – Việt Nam.
Thời điểm tốt để đón cơ hội lớn
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc từ ngày 11-17/5. Ông đánh giá như thế nào về thời điểm diễn ra các sự kiện này và vai trò, vị thế của Việt Nam?
– Đây là thời điểm rất thuận để chúng ta triển khai các hoạt động hợp tác, đối ngoại. Trước hết, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để tự tin nối lại các hoạt động kinh tế, xã hội, có cả kế hoạch lớn phát triển lâu dài, cũng như mở cửa, thúc đẩy hội nhập quốc tế và quan hệ với các nước. Điều này không chỉ giúp về phục hồi kinh tế và khôi phục các chuỗi cung ứng, mà quan trọng hơn là còn tạo điều kiện cho Việt Nam đi trước đón những cơ hội lớn về kinh tế như kinh tế xanh, bền vững, chuyển đổi số, lựa chọn các chuỗi cung ứng chất lượng cao trong một thế giới đang dịch chuyển.
Với ASEAN – Mỹ, có mấy điểm đáng chú ý. Trước hết, quan hệ hai bên phát triển tốt đẹp và năm nay là dịp hai bên kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác. Thứ hai, Mỹ tiếp tục hợp tác với khu vực và ASEAN, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như đang tích cực bàn với ASEAN về các dự án hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Mặt khác, thế giới và khu vực đang có những chuyển động nhiều chiều, có cả cơ hội và thách thức, như dịch bệnh, đứt gãy các chuỗi cung ứng; các vấn đề như Biển Đông, tình hình Myanmar hay Ukraine. Cả hai bên đều rất coi trọng hội nghị lần này. Được biết, cấp cao ASEAN – Mỹ dự kiến sẽ thông qua một tuyên bố tầm nhìn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.
Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN sẽ đan xen hàng loạt hoạt động cả về đa phương và song phương với các đối tác hàng đầu của Việt Nam, như vậy vừa tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – ASEAN, vì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Giữa hai bên chắc chắn sẽ đề ra nhiều định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, cũng như ứng phó với các thách thức đang đặt ra như về kiểm soát dịch bệnh, phục hồi, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải.
Thế giới và khu vực đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam. Đây là dịp chúng ta thúc đẩy hơn nữa việc triển khai định hướng phát triển và chủ trương đối ngoại của Việt Nam như Đại hội XIII đã đề ra về độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập toàn diện, sâu rộng, nhằm thực hiện khát vọng phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới. Chúng ta cũng sẽ khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ủng hộ luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương cũng như về hợp tác, tự do hóa thương mại.
Việt – Mỹ và thành tựu hợp tác được cả thế giới thừa nhận
Suốt 27 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ có nhiều dấu mốc đặc biệt, từ cựu thù trở thành đối tác và được cả thế giới thừa nhận. Ông từng đảm nhiệm vai trò Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, chứng kiến nhiều bước thăng trầm trong tiến trình phát triển quan hệ hai nước, ông có thể chia sẻ những điều ấn tượng nhất để tái hiện bức tranh thực chất về quan hệ Việt – Mỹ?
– Quan hệ Việt – Mỹ trong 27 năm qua tiếp tục đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đây là nỗ lực rất lớn của cả hai bên. Việt Nam và Mỹ không chỉ từ cựu thù trở thành đối tác, mà đến nay hai nước đã trở thành đối tác toàn diện, tạo ra khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài và ngày càng phát triển hơn nữa, vì lợi ích của mỗi nước, cũng như vì hòa bình, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin là tiền đề rất quan trọng. Từ câu chuyện khắc phục hậu quả chiến tranh, đến tăng cường hợp tác các mặt, đan xen lợi ích và cùng có lợi, đến xây dựng được những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đó là cả một quá trình. Từ khắc phục hậu quả chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; hiểu nhau, có lòng tin thì mới tháo gỡ được những vướng mắc và từng bước phát triển quan hệ giữa hai nước.
Những dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hai nước gần đây nhất có thể điểm lại là: Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, hai bên thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện. Năm 2015, lần đầu tiên người đứng đầu thể chế chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ và hai bên ra tuyên bố tầm nhìn về quan hệ, đây là dấu mốc lịch sử giữa hai nước, đề ra tầm nhìn và định hướng lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ, về phát triển hợp tác trên các lĩnh vực; nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng độc lập chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Năm 2016, Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam và tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí. Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam và dự APEC năm 2017, chọn Việt Nam là nơi tổ chức thượng đỉnh cấp cao Mỹ – Triều năm 2919. Gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thăm Việt Nam trong chuyến đầu tiên tới khu vực vào năm 2021. Giữa hai nước thường xuyên có các tiếp xúc cấp cao và các cấp, bao gồm cả các chuyến thăm cũng như các điện đàm giữa hai bên. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, trong 27 năm qua, cả bốn Tổng thống liên tiếp của Mỹ đều đã tới thăm Việt Nam, cũng phải nhận thấy đó là điều rất đặc biệt và hiếm có.
Hai nước, ở hai bờ đại dương, từng là cựu thù, lại khác biệt về thể chế chính trị xã hội và trình độ phát triển kinh tế thì rõ ràng phải xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau mới đưa quan hệ trở thành đối tác toàn diện và ngày càng phát triển được như ngày nay. Đương nhiên, không phải không có những khác biệt, trở ngại, điều quan trọng là đối thoại và cùng nhau tháo gỡ. Hiện tại giữa hai nước đã lập các kênh đối thoại hiệu quả về nhiều vấn đề như thương mại đầu tư, năng lượng, lao động, nhân quyền. Đơn cử như một – hai năm trước có câu chuyện về thao túng tiền tệ, hai bên đã trao đổi hiểu biết và xây dựng, dỡ bỏ vấn đề này, cùng đề ra các biện pháp hợp tác hiệu quả, có lợi cho cả hai bên.
Về chính trị ngoại giao, trong các chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh coi trọng và mong muốn đưa quan hệ hai nước lên một tầm mới, thực chất, hiệu quả và cùng có lợi. Về phần mình, phía Mỹ đánh giá cao vị thế và quan hệ với Việt Nam, luôn nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, Mỹ ủng hộ “một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng”. Đây cũng là một điều đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước.
Về kinh tế, phải khẳng định đây là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ. Xin lấy một con số tổng thể, tính từ khi bình thường hóa quan hệ những năm 1994-1995, khi đó tổng kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ ở mức 450 triệu USD, nhưng đến cuối 2021 con số này đã đạt hơn 111 tỷ USD, tức gấp hơn 220 lần. Phải nói đó là điều hết sức ấn tượng. Tính riêng trong vòng 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai nước đều ở mức tăng từ 17-19%/năm. Có nhiều lý do cho việc này. Một là Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập thì hàng hóa của Việt Nam có chất lượng, được Mỹ ưa chuộng. Mỹ là thị trường rất lớn, có sức hấp thụ rất lớn. Thêm nữa, hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau, hai bên đều cần và hợp tác cùng có lợi, cũng thể hiện sự phát triển của các chuỗi cung ứng, lợi ích đan xen.
Rõ ràng, giữa hai nước hiện vẫn còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy hơn nữa hợp tác về các mặt, trong đó có về kinh tế, thương mại, đầu tư. Hiện nay, Việt Nam cũng đang ưu tiên cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tranh thủ công nghệ, các nguồn đầu tư và các chuỗi cung ứng chất lượng cao, bền vững. Dịp hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ sẽ là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Mỹ và cả ASEAN về các lĩnh vực, bao gồm cả song phương và đa phương.
Những mong đợi đặc biệt
Đây là chuyến công du tới Mỹ và Liên Hợp Quốc lần đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự kiến Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc làm việc quan trọng. Theo ông, trong bối cảnh mới, quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ được quan tâm như thế nào?
– Với hàng loạt hoạt động rõ ràng cho thấy chuyến đi có ý nghĩa rất quan trọng, cả về song phương và đa phương. Đây vừa là dịp để chúng ta đóng góp vào cái chung của khu vực, thế giới, vừa thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác, với Mỹ, ASEAN, Liên Hợp Quốc.
Như đã trao đổi, chắc chắn chúng ta sẽ chia sẻ những thông điệp lớn, quan trọng, theo tinh thần của Đại hội XIII về định hướng phát triển, chủ trương đối ngoại, hội nhập và phát triển quan hệ của Việt Nam với các nước.
Tổng thống Biden và chính quyền mới ở Mỹ rất coi trọng quan hệ với ASEAN và khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần này sẽ càng làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực; phía Mỹ ủng hộ mạnh mẽ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm, cũng như các nguyên tắc và sáng kiến của ASEAN ở khu vực. Quan hệ ASEAN – Mỹ vừa góp phần tạo môi trường thuận lợi, vừa tạo thêm đà mới cho quan hệ Việt – Mỹ, trong các lĩnh vực hợp tác chung ở khu vực giữa hai nước, tăng cường vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Trở lại câu chuyện quan hệ Việt – Mỹ, chuyến đi dự hội nghị và thăm lần này chắc chắn sẽ tạo cơ sở tăng cường hơn nữa đà quan hệ giữa hai nước, trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, về song phương cũng như đa phương.
Ba năm tới đều có những dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ, đó là: Kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện (năm 2023), 30 năm bình thường hóa quan hệ về kinh tế (năm 2024), 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2025). Đó là những dịp để phát triển hơn nữa quan hệ hai nước. Giờ cũng là lúc để hai bên cùng bàn tính và đề ra lộ trình cho việc đưa quan hệ hai nước lên tầm mới.
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ lần đầu tiên diễn ra năm 2016. Sau 6 năm và thay đổi 3 chính quyền Tổng thống Mỹ là Barack Obama, Donald Trump, Joe Biden thì hội nghị lần thứ 2 mới được tổ chức. Những khác biệt, cơ hội và thách thức thể hiện như thế nào tại hội nghị lần này, thưa ông?
– Cái nhất quán là ASEAN và Mỹ đều rất coi trọng quan hệ, phía Mỹ dù qua các đời Tổng thống nhưng đều đánh giá cao ASEAN và khẳng định gắn kết với khu vực. Khi họp lần đầu ở Sunny Lands vào 2016, lúc đó hai bên mới nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Họp lần này trùng với dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Mỹ, càng là dịp để làm sâu sắc thêm mối quan hệ này.
ASEAN – Mỹ thiết lập quan hệ vào năm 1977, theo đó Mỹ là một trong số những đối tác sớm nhất của ASEAN, sau này có thêm những nước lớn khác trở thành đối tác vào những năm 1990, những năm 2000. Nhìn lại cả chặng đường 45 năm có thể thấy ASEAN – Mỹ đã có những dấu mốc phát triển quan trọng, nhất là từ khi ASEAN và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cách đây 6 năm.
Nâng tầm lên đối tác chiến lược thể hiện bước phát triển mới giữa ASEAN và Mỹ, về tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, vì hòa bình, an ninh, phát triển, xây dựng lòng tin và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực, trong việc tăng cường hỗ trợ ASEAN về xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra ở khu vực.
Hội nghị không chỉ nhìn lại 5-6 năm qua, quan trọng hơn đây là dịp để nhìn lại cả quá trình 45 năm quan hệ ASEAN – Mỹ, để nâng cao hơn nữa quan hệ, trong bối cảnh mới, khi khu vực và thế giới đang có những diễn biến nhiều chiều, đan xen cơ hội và thách thức phức tạp. Chắc chắc sẽ có những yêu cầu mới cho hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực. ASEAN cũng đã bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập cao hơn, xây dựng cộng đồng cao hơn và kỳ vọng ASEAN cũng nhiều hơn. Theo đó, hai bên sẽ phải rà soát lại và đề ra những định hướng hợp tác mới. Bản thân ASEAN cũng sẽ phải vươn cao hơn, nâng thêm tầm của mình, về xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm, cũng như ứng xử với các đối tác, trước những cơ hội, thách thức đang đặt ra, cũng như trước sự trông đợi của khu vực và các đối tác.
Trong 2 lần tổ chức hội nghị, nếu lấy năm 2022 so với năm 2016 thì khác biệt đầu tiên thấy ngay chính là dịch bệnh và những hệ lụy chưa từng có, hay cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề Myanmar, rồi đến câu chuyện cạnh tranh giữa các nước lớn nay phức tạp hơn nhiều.
Tính từ năm 2016 đến nay, nước Mỹ đã thay đổi 3 chính quyền, qua các Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden. Dù có những điều chỉnh khác nhau, nhưng rõ ràng lợi ích lâu dài của nước Mỹ vẫn cần đến khu vực, đến ASEAN và quan hệ Mỹ – ASEAN vẫn tiếp tục đà phát triển.
Trông đợi gì ở hội nghị ASEAN – Mỹ lần này? Hội nghị diễn ra ở một thời điểm mà cả hai bên đều mong đợi có những kết quả tích cực. Bối cảnh dịch bệnh, rồi các diễn biến khu vực, quốc tế, việc tổ chức một cấp cao trực tiếp như thế này không hề dễ. Trên thực tế, hai bên cũng phải bàn đi tính lại, thay đổi nhiều lần mới thu xếp được lịch như bây giờ. Nhưng điều này cũng cho thấy cả hai bên đều rất cần nhau, coi trọng khuôn khổ hợp tác ASEAN – Mỹ, điểm song trùng và lợi ích đan xen của hai bên rất lớn.
Điều trông đợi là nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ, hai bên sẽ đưa ra một tuyên bố tầm nhìn mang tính chiến lược, vừa nâng tầm quan hệ đối tác ASEAN – Mỹ, vừa đề ra những định hướng lớn về phát triển quan hệ trên các lĩnh vực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Báo Dân Trí!
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hái ra tiền nhờ TikTok Shop: Chục nghìn đơn hàng đến như ‘tên lửa’, ngồi không cũng ra tiền nhờ 1 ngày đăng đều 2 video
- Bất động sản hút 2,1 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng
- Thời điểm tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam là khi nào?
- Bất động sản vùng ven chuyển động theo Đường vành đai 3
- Vừa lên thành phố, Tân Uyên tích cực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đô thị